Triển khai thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công
Theo nội dung văn bản, đối tượng hưởng chế độ theo nguồn kinh phí Trung ương gồm: Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 3; Khoản 1, khoản 2 Điều 38 và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ảnh minh họa |
Đối tượng hưởng chế độ theo chính sách đặc thù của thành phố gồm: Người có công với cách mạng quy định tại các điểm đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 3 (trừ các đối tượng quy định tại các điểm g, h, i có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên); Khoản 2 Điều 38 và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc đối tượng điều dưỡng phục hồi sức khỏe 2 năm một lần, trong năm không thực hiện chính sách điều dưỡng của Trung ương thì được hưởng chế độ điều dưỡng theo chính sách đặc thù của thành phố.
UBND quận Thanh Xuân lưu ý khi thực hiện chế độ điều dưỡng: Người có công với cách mạng hưởng nhiều chế độ ưu đãi thì chỉ áp dụng một chế độ điều dưỡng đối với chính sách ưu đãi cao nhất. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ mức cao nhất của một đối tượng.
Cách tính thời gian hưởng chế độ với đối tượng điều dưỡng phục hồi sức khỏe 2 năm một lần theo nguồn kinh phí Trung ương: Đến năm thứ 3 tính từ năm điều dưỡng lần trước thì đủ điều kiện hưởng chế độ điều dưỡng lần tiếp theo.
Đối với đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng thực hiện theo chính sách đặc thù của Thành phố: Thuộc đối tượng điều dưỡng phục hồi sức khỏe 2 năm một lần, trong năm không thực hiện điều dưỡng theo nguồn kinh phí Trung ương thì được điều dưỡng theo nguồn kinh phí Thành phố.
Đối với đối tượng thay đổi nơi cư trú trong thành phố: Trường hợp di chuyển trước ngày 10/9/2023, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đối tượng chuyển đi, chuyển đến lập danh sách báo giảm, báo tăng đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng.
Trường hợp di chuyển sau ngày 10/9/2023, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đối tượng chuyển đi giải quyết chế độ điều dưỡng cho đối tượng xong trước khi làm thủ tục di chuyển.
Đối với đối tượng từ tỉnh khác di chuyển về Hà Nội, thuộc đối tượng điều dưỡng phục hồi sức khỏe 2 năm một lần, trong năm không thực hiện chính sách điều dưỡng của Trung ương thì lập danh sách báo tăng đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng theo chính sách đặc thù của Thành phố.
Đối với đối tượng mới được xác nhận hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân liệt sĩ hoặc đối tượng được tiếp tục hưởng lại chế độ ưu đãi hoặc đối tượng mới được xác nhận là người có công do cơ quan quân đội, công an bàn giao trong năm 2023.
Ảnh minh họa |
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ phiếu báo di chuyển hồ sơ hoặc quyết định hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân liệt sĩ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách báo tăng đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng theo nguồn kinh phí ngân sách Trung ương.
Đối tượng đi điều dưỡng tập trung: Chọn đối tượng có đủ sức khỏe, tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, không mắc các bệnh truyền nhiễm. Đối tượng không áp dụng: Vợ hoặc chồng liệt sĩ đã đi lấy chồng hoặc vợ khác.
Năm 2023, quận Thanh Xuân được phân bổ thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ gồm: Nguồn kinh phí Trung ương: 960 người (điều dưỡng tại nhà: 710 người; điều dưỡng tập trung: 250 người); Nguồn kinh phí thành phố: 854 người (điều dưỡng tại nhà: 654 người; điều dưỡng tập trung: 200 người).
Địa điểm điều dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội (địa chỉ: Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ)...