Trang bị kiến thức về nhận diện và phòng chống lừa đảo không gian mạng trong cộng đồng
Vững vàng trên không gian mạng, cống hiến để trưởng thành Cảnh giác khi nhận được yêu cầu khôi phục tài khoản Gmail Tạo sản phẩm “Make in Viet Nam” phòng, chống lừa đảo trực tuyến |
Đại diện Cục An toàn thông tin, nền tảng TikTok, Đại sứ chiến dịch Lê Bống cùng các chuyên gia về lừa đảo trực tuyến tại buổi lễ phát động chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng” |
#LuaDaoTrucTuyen hưởng ứng chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng” do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động vào tháng 8 vừa qua, khẳng định nỗ lực của TikTok nhằm giúp người dùng chủ động phòng tránh và ứng phó với vấn nạn lừa đảo trực tuyến, chung tay thúc đẩy môi trường số lành mạnh và tích cực tại Việt Nam.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 9 tháng năm 2024, đã có hơn 22.000 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng gửi về Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. Không chỉ gia tăng về số lượng, các phương thức lừa đảo trên không gian mạng đang ngày một phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, nhắm đến các nhóm đối tượng khác nhau. Ngoài những giải pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức từ cơ bản tới nâng cao cho người dùng là một trong những ưu tiên hàng đầu giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của lừa đảo trực tuyến.
Cụ thể, qua chiến dịch #LuaDaoTrucTuyen, TikTok kêu gọi người dùng tham gia sáng tạo các nội dung tuyên truyền nhằm đẩy lùi các vấn nạn lừa đảo trong thời đại số hóa. Diễn ra từ ngày 22/10 đến ngày 22/11 năm 2024, chiến dịch khuyến khích người dùng đăng tải video kèm hashtag #luadaotructuyen #Congkgmqg #VaccineSo trên 2 chủ đề chính: Tình huống về các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến và kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến. Mỗi video hưởng ứng chiến dịch cần gắn thẻ tài khoản TikTok chính thức của Cổng không gian mạng quốc gia (@congkgmqg).
Vinh dự được lựa chọn là đại sứ của chiến dịch, nhà sáng tạo nội dung Lê Bống đã đăng tải video chủ đề trên tài khoản TikTok của mình, tái hiện lại một số hành vi lừa đảo phổ biến trong thời gian gần đây, góp phần nâng cao cảnh giác và vận động người xem hưởng ứng chiến dịch.
Bên cạnh đó, chiến dịch còn có sự đồng hành của các nhà sáng tạo nội dung và các chuyên gia an ninh mạng như Hiếu PC để cùng tham gia cập nhật các chiêu thức lừa đảo mới cũng như các bí quyết, phương cách hiệu quả để nhận biết và phòng tránh vấn nạn này qua các video ngắn và các buổi livestream trên TikTok.
Đáng chú ý, với sự phối hợp của Câu lạc bộ Influencer Việt Nam, các nhà sáng tạo sẽ thực hiện các video và buổi phát trực tiếp trên TikTok LIVE nhằm cung cấp những thông tin bổ ích giúp người dùng chủ động bảo vệ trải nghiệm số của mình và gia đình. Nội dung của các buổi phát LIVE sẽ đi qua nhiều chủ đề khác nhau như xây dựng kỹ năng nhận biết các hành vi lừa đảo, xây dựng kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ trước các hình thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến đang ngày càng tinh vi, nguy hiểm.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), chia sẻ: “Các đối tượng lừa đảo trực tuyến đang ngày một tinh vi hơn trong việc thay đổi phương thức, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội. Trong năm 2023 cùng với sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, nền tảng trực tuyến, chiến dịch đã giúp mọi người nhận diện 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng. Tiếp nối với năm 2024, chúng tôi đặt trọng tâm vào việc trang bị cho mỗi người khả năng tự bảo vệ bản thân và gia đình trước những thủ đoạn lừa đảo. Nhiệm vụ này là một hành trình dài hơi đòi hỏi sự chung tay của mọi thành phần.
Do đó, chúng tôi ghi nhận nỗ lực của TikTok trong nhiều năm qua khi luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan thực hiện những sáng kiến như #Luadaotructuyen nhằm đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng tiếp cận với những kiến thức cần thiết giúp nâng cao cạnh giác, biết cách ứng phó với những hành vi lừa đảo qua mạng”.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, nhấn mạnh: "TikTok có cách tiếp cận không khoan nhượng đối với bất kỳ hình thức nội dung liên quan đến lừa đảo nào trên nền tảng của chúng tôi. Chúng tôi cũng đã và đang triển khai các chính sách để chống lại các nội dung lừa đảo và thực hiện hành động thực thi nghiêm ngặt khi phát hiện các nội dung này. Tuy nhiên, khi các vụ lừa đảo trở nên tinh vi hơn, cần phải có sự giáo dục liên tục và nỗ lực của cộng đồng để phát hiện, báo cáo và ngăn chặn các vụ lừa đảo. Với vai trò là một nền tảng nội dung, TikTok sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan nhà nước thực hiện nhiều chiến dịch cộng đồng ý nghĩa, nâng cao nhận thức cộng đồng về lừa đảo trực tuyến và an toàn không gian mạng”.
Trước đó, tại sự kiện TikTok Safety Summit 2024 diễn ra vào tháng 6, TikTok cũng đồng loạt giới thiệu các giải pháp cải tiến hướng đến nâng cao trải nghiệm an toàn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung và người dùng. Nổi bật trong đó là những cập nhật mới về Tiêu chuẩn Cộng đồng cũng như tăng cường sự chủ động của người dùng đối với xử lý các nội dung vi phạm thông qua bổ sung chi tiết cách kiểm duyệt các tính năng tìm kiếm, TikTok LIVE và trang “Dành cho bạn".