“Thay áo mới” cho giày - dự án khởi nghiệp độc đáo của sinh viên Thủ đô
Hơn 300 sinh viên trường Đại học Mở Hà Nội tham gia phục vụ SEA Games 31 |
Kích thích sự sáng tạo
Dự án được thực hiện bởi nhóm bạn trẻ gồm: Vũ Ngọc Hạnh, Đỗ Nguyễn Thái Hà, Ninh Thảo Ly, Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Mai Nhật đều là sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Vũ Ngọc Hạnh, sinh viên năm thứ nhất khoa Thiết kế đồ họa, trưởng nhóm cho biết: "Năm học lớp 11, mình đã nhận vẽ giày theo yêu cầu cho một số bạn học sinh trong trường. Tuy nhiên, để tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học, mình tạm dừng công việc.
Các bạn trẻ trình bày dự án tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên" |
Khi vào trường đại học được các thầy thông báo về cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên" mình và nhiều bạn khác đều mong muốn đưa kiến thức, bài học trên giảng đường vào thực tế, tạo ra các tác phẩm độc đáo. Chúng mình muốn bắt đầu từ chính đôi giày của bản thân và dự án “Bán giày custom - Vẽ giày theo yêu cầu” đã ra đời”.
Cũng theo Hạnh, custom giày là khái niệm không còn xa lại gì đối với những người yêu giày. Có thể nói custom giày là một phương pháp độ giày, giúp làm mới thông qua những hình vẽ, thể hiện được cá tính riêng. Với sự khéo léo của đôi tay, những đôi giày sau khi custom sẽ trở nên độc lạ, không bao giờ đụng hàng với người khác. Đấy chính là sự sáng tạo mà dự án đem lại cho khách hàng. Bản thân giày custom cũng có nghĩa là một thể loại sáng tạo hoàn toàn mới.
Nếu như trước đây, vẽ giày theo yêu cầu chỉ được làm theo đơn nhỏ lẻ thì nay các bạn trẻ thực hiện bài bản hơn. Ngoài vẽ, thiết kế mẫu vẽ trên giày theo yêu cầu, dự án còn cung cấp giày theo size của khách.
Các thành viên dự án cùng thầy cô, sinh viên trong trường |
Sản phẩm giày custom không chỉ mang lại cho khách hàng mẫu thiết kế bản thân ưng ý mà còn thể hiện được sự đam mê và sở thích riêng biệt của từng người. Giày custom cũng rất phù hợp để tặng trong những dịp đặc biệt với những thiết kế phù hợp với từng hoàn cảnh hoặc có thể dùng trong những hoạt động giải trí đội nhóm với những mẫu thiết kế hàng loạt.
Hướng đến cộng đồng
Dự án được đánh giá cao về khả năng đưa vào thực tế bởi nhu cầu của người tiêu dùng ngày nay đặc biệt là các bạn trẻ không chỉ đẹp mà còn phải độc. Việc “thay áo mới” cho những đôi giày cũ không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần hạn chế rác thải ra môi trường. Đặc biệt, dự án có thể tạo việc làm cho đông đảo sinh viên ngành thiết kế cũng như những người có năng khiếu.
“Hiện trường mình có gần 2.000 sinh viên của 3 khoa: Thiết kế đồ họa; Thiết kế thời trang và công nghệ may; Sư phạm Mỹ thuật. Chỉ cần các bạn có chút năng khiếu, sự khéo léo đều có thể làm cộng tác viên cho dự án kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bạn sinh viên vẫn có thể nhận sản phẩm về nhà làm”, bạn Ninh Thảo Ly, thành viên dự án chia sẻ.
Sản phẩm giày custom nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ |
Bên cạnh đó, sinh viên ngành thiết kế tham gia dự án còn có cơ hội thực hành những bài giảng trên lớp, phát huy sự sáng tạo cũng như củng cố kinh nhiệm và trải nhiệm thực tế.
Để thu hút khách hàng, dự án cung cấp nhiều dịch vụ hấp dẫn: Nhận thiết kế lẻ, đôi hoặc theo set (3 người trở lên); Vệ sinh làm sạch giày; Repaint lại màu giày; Khử mùi giày…
Ngay sau khi giành giải Ba cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên” năm 2021 do Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, dự án “Bán giày custom - Vẽ giày theo yêu cầu” đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và họ sẵn sàng đầu tư nếu các bạn trẻ kêu gọi vốn.
Hiện các thành viên trong dự án cũng nhận được nhiều đơn hàng của thầy cô và sinh viên trong và ngoài trường. Nhóm bạn trẻ kỳ vọng, những mẫu giày vẽ của dự án sẽ đưa đến những sản phẩm độc đáo, mới lạ trên thị trường thời trang Việt nhằm hướng con người hướng tới giá trị riêng, khẳng định vị thế của của bản thân.
Đồng thời, dự án còn mang lại giá trị cồng đồng khi trực tiếp liên kết, cộng tác với những trường giáo dục đối tượng đặc biệt như: Người tự kỷ, khuyết tật… có năng khiếu, nhằm đào tạo họ trở thành những họa sĩ vẽ trên giày tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân.