Tháo gỡ khó khăn giúp các xã “về đích” đúng hẹn
Đi tìm nguyên nhân
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành xây dựng Nông thôn mới với 368/382 xã và 12/18 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn.
Với phương châm xây dựng Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, hiện các huyện đã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội đang chờ Trung ương có hướng dẫn về các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để có căn cứ triển khai thực hiện.
Về công tác xây dựng Nông thôn mới nâng cao, tính đến hết năm 2020, thành phố có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bước sang năm 2021, Hà Nội tiếp tục có 29 xã đăng ký đạt chuẩn này. Trong đó, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thanh Trì - mỗi huyện đăng ký 1 xã; Phú Xuyên, Quốc Oai, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Oai, Ứng Hòa - mỗi huyện đăng ký 2 xã; Gia Lâm, Chương Mỹ, Đông Anh - mỗi huyện đăng ký 3 xã; Thường Tín đăng ký 4 xã.
Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn với tiêu chí trường học |
Tuy nhiên, hiện việc xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao đang bị chậm tiến độ. Tại huyện Thường Tín, đến hết tháng 6/2021, cả 4 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đều chưa hoàn thành đủ tiêu chí.
Cụ thể, trong số 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, các xã Duyên Thái, Minh Cường, Tô Hiệu, Tự Nhiên mới đạt và cơ bản đạt từ 17 – 18/19 tiêu chí. Tiêu chí chưa đạt đều là trường học. Ngoài tiêu chí này, hai xã Tô Hiệu và Minh Cường còn chưa đạt tiêu chí văn hóa…
Tương tự, huyện Phú Xuyên có 2 xã đăng ký đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao là Đại Thắng và Tri Trung. Hiện mới có xã Đại Thắng đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; Xã Tri Trung cơ bản đạt 18 tiêu chí, tiêu chí trường học chưa đạt.
Bí thư Đảng ủy xã Tri Trung Trần Trung Tuyến thông tin: Trường tiểu học của xã đã có dự án đầu tư và được bố trí vốn xây dựng để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể triển khai thực hiện.
Đánh giá tiến độ thực hiện công tác xây dựng Nông thôn mới nâng cao của các xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Trong số 29 xã đăng ký đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2021, hiện vẫn chưa có xã nào hoàn thành hồ sơ gửi về thành phố để thẩm định, công nhận.
Về nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, theo ông Nguyễn Văn Chí, ngoài yếu tố khách quan là phải thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 thì đa số địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn để hoàn thiện các tiêu chí hạ tầng.
Đơn cử, để đạt tiêu chí trường học, yêu cầu các xã phải có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trong khi đầu tư xây dựng một ngôi trường cần hàng chục tỷ đồng. Chưa kể, các địa phương phải thực hiện những tiêu chí khác cũng cần nguồn vốn lớn…
Quyết tâm để sớm “về đích”
Có thể thấy rằng, để hoàn thành các tiêu chí hạ tầng cần nguồn kinh phí lớn và phải có thời gian, trong khi đó nguồn lực chi cho xây dựng Nông thôn mới tại Hà Nội hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách, nguồn vốn xã hội hóa đạt thấp nên nhiều dự án không có vốn để triển khai.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch nên một số công trình xây dựng phải dừng thi công khiến nhiều xã khó hoàn thiện được các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao như dự định.
Hà Nội đang từng bước tháo gỡ khó khăn giúp các xã “về đích” Nông thôn mới nâng cao đúng hẹn |
Theo đó, trước mắt, các cấp, ngành, địa phương liên quan cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ nhằm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, hoàn thiện các tiêu chí hạ tầng trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao, các địa phương cần tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội hóa.
Cùng với đó, các địa phương phả sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách thành phố, cấp huyện, cấp xã, nguồn kinh phí hỗ trợ từ các quận nội thành, cơ quan, đơn vị... để đầu tư xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt.
Ngoài ra, các địa phương cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao trong năm 2021, ngoài sự hỗ trợ nguồn lực từ thành phố, cần nâng cao quyết tâm, tích cực, chủ động huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư, người dân, doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí.
Đặc biệt, các xã cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao các tiêu chí về thu nhập, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất... để đời sống người dân có chuyển biến thực chất. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng Nông thôn mới nâng cao để mỗi người dân thêm hiểu, tin tưởng và cùng tích cực tham gia thực hiện.
Với nỗ lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu của các cấp, ngành, địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2021 của Hà Nội chắc chắn sẽ sớm “về đích”.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |