Thăm Làng Quất Động - cái nôi của nghề thêu truyền thống
Những nghệ nhân lưu giữ nghề mây tre đan truyền thống |
Những nghệ nhân tâm huyết
Cùng với những biến động của lịch sử, nghề thêu Quất Động cũng có lúc thăng, lúc trầm. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề phát triển mạnh mẽ với rất nhiều xưởng thợ có từ 200 - 500 người làm nghề. Sản phẩm chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu.
Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, làng nghề giảm sút về số xưởng, số thợ. Tuy khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nhưng nhiều người Quất Động vẫn dành tình yêu cho nghề, kiên quyết giữ nghề với những hy vọng tốt đẹp ở tương lai.
Nghệ nhân thêu tranh tại làng nghề truyền thống Quất Động |
Tình yêu nghề của người Quất Động đã được đền đáp khi nghề dần được khôi phục, phát triển trở lại, khẳng định được uy tín trên thị trường, giúp cuộc sống của người dân thêm ổn định.
Với người dân Quất Động, công việc thêu tranh đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày. Bên những khung thêu, người già, trẻ nhỏ cần mẫn làm nghề. Kế thừa và phát triển nghề truyền thống, Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính (đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), Nghệ nhân Nhân dân Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng thêu được phong tặng danh hiệu này. Ông chính là tác giả bức tranh thêu nhà vua Thái Lan Phu Mi Bon A Đun Da Dệt, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn trong bộ sưu tầm của hoàng gia Thái Lan.
Thời điểm cực thịnh, tại làng Quất Động không hiếm gặp những gia đình có nhiều thế hệ cùng làm nghề thêu, khung thêu là vật không thể thiếu dưới những mái nhà.
Sản phẩm của Quất Động |
Người già và người trẻ, đàn ông và phụ nữ, tất cả đều tham gia vào việc thêu tranh. Điều đặc biệt ở làng Quất Động, những đôi bàn tay tài hoa nhất bên khung thêu lại là đàn ông.
Nhiều người trong số họ còn là nghệ nhân của nghề thêu tay. Trải qua nhiều biến động về thiên tai, địch họa, khung thêu và những đường nét thêu đã gồng gánh con người, nuôi sống người dân làng Quất Động suốt nhiều đời.
Từ xa xưa, làng Quất Động đã rât nổi tiếng với các sản phẩm thêu phục vụ lễ phục cung đình, quan lại.
Tương truyền rằng, ông tổ nghề thêu Quất Động là Tiến sỹ Lê Công Hành, sống vào thế kỷ XIV thời nhà Lê. Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, Tiến sỹ Lê Công Hành đã tiếp thu nghề thêu, sau khi về nước đã truyền lại cho người dân làng Quất Động, hình thành nên làng nghề thêu nức tiếng chốn kinh kỳ.
Nét tinh xảo trong từng sản phẩm |
Xuyên suốt hơn 600 năm hình thành và phát triển nghề thêu, thêu tay Quất Động đã tạo nên những kỹ thuật thêu riêng biệt mà chỉ có người Quất Động mới nắm bắt được.
Trong lịch sử phong kiến, trang phục cung đình, quan lại hoặc giới quyền quý đều lựa chọn làng thêu Quất Động là nơi thực hiện việc hoàn thiện các hoa văn.
Bí quyết thêu tỉa màu của dân làng Quất Động vô cùng độc đáo, đường chỉ dài kết hợp với việc thêu theo lớp.
Những kỹ thuật thêu đặc sắc này mang lại cho các hình thêu màu sắc sống động, đường nét mềm mại, tôn lên vẻ đẹp của các bộ trang phục, đặc biệt là trang phục cung đình, quan lại.
Mỗi bức tranh thêu đều có ý nghĩa sâu sắc
Với cách làm tranh chỉn chu, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ, cho tới nay tranh thêu tại Quất Động vẫn vô cùng thu hút du khách bốn phương.
Tranh thêu ngày nay cũng được đa dạng hơn tùy vào nhu cầu khách hàng như tranh Phong thủy, tranh chân dung, tranh phong cảnh đất nước…
Từng đường kim mũi đều được chăm chút |
Vừa đặt sự khéo léo, vừa đặt tâm huyết vào từng bức tranh, vậy nên từng bức tranh thêu ở làng Quất Động như được thổi hồn, làm cho bức tranh thềm phần ý nghĩa và sâu sắc hơn.
Chủ một cơ sở tranh thêu tại Quất Động cho hay: “ Với từng sản phẩm, chúng tôi luôn chú trọng tới chi tiết, khi thêu, người nghệ nhân sẽ đặt là sự tập chung, tâm tư và tình cảm, vậy nên mỗi bức tranh đều mang màu sắc riêng.
Ví dụ với hình ảnh con rồng trong bức tranh thêu tay, nghệ nhân thêu phải thể hiện được Rồng là vua của loài có vảy, có tài biến hóa, làm tối được, làm sáng được, làm lớn được, làm nhỏ được, nhằm tiết xuân phân thì lên trời, nhằm tiết thu phân thì xuống biển hay xuống đất. Kinh Phật nói: “Long thường tại định, vô hữu bất định thì”. Nghĩa là: Rồng thường ở vào thiền định, không có lúc nào chẳng thiền định.
Hay như với bức tranh thêu tùng hạc là sự kết hợp hài hòa giữa hai hình ảnh biểu tượng – cây Tùng Bách và loài Hạc tiên mang nhiều giá trị, qua bàn tay sắp xếp cảnh vật của người nghệ nhân, bức tranh càng ấn tượng hơn.
Những bức tranh thêu tay truyền thống luôn là sự lựa chọn sáng giá để trang trí cho không gian sống của gia đình bạn thêm phần sinh động và ý nghĩa. Đặc biệt là đối với dòng tranh phong thủy, không chỉ tạo vẻ đẹp sang trọng cho ngôi nhà của bạn mà còn mang lại nhiều điều may mắn bất ngờ”.
Với mẫu tranh thêu hoa lan, một nghệ nhân tại đây cũng cho biết: “Tranh thêu hoa lan một trong những bức tranh thêu thể hiện của nét đẹp vương giả, tinh tế và hiếm thấy. Chính vì vẻ đẹp đó, tranh thêu hoa lan giúp cho không gian bài trí thêm lộng lẫy, sang trọng, giúp người sở hữu nhận nhiều điều tốt lành như chính yếu tố phong thủy mà hoa lan mang lại.
Ngoài hoa lan, chúng tôi còn thêu những loài hoa khác, nhưng chúng đều mang ý nghĩa riêng cho mình. Thêm nữa như hoa cúc họa mi, với cúc họa mi, chúng tôi thêu sao cho khách hàng cảm nhận được rằng: Hà Nội cứ mỗi mùa thu đến phố phường lại ngập tràn những bông cúc họa mi bé nhỏ đồng đều, mang màu sắc tinh khôi chụm vào nhau, rung rinh trong từng cơn gió lạnh, đẹp đến nao lòng.
Chính vì vẻ đẹp đó, hình ảnh hoa cúc họa mi đã được tái hiện sang những bức tranh thêu hoa cúc họa mi đang vươn mình trong nắng gió mưa sa, dù cho đất đai cằn cỗi, chỉ với đôi cánh mỏng manh, hoa cúc dại vẫn luôn vượt lên toả sắc hương rực rỡ làm say đắm cuộc đời”.