Tập trung tháo gỡ khó khăn cho kinh tế hợp tác xã
Đồng bào Mường thoát nghèo nhờ mô hình hợp tác xã Hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử Từng bước tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã nông nghiệp Hình thành chuỗi liên kết các hợp tác xã |
Hiệu quả từ lĩnh vực kinh tế tập thể
Để tập hợp đồng bào DTTS tham gia sản xuất, xoá đói giảm nghèo, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam đã thành lập một số mô hình kinh tế tập thể, được chính quyền các cấp tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thường xuyên quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất.
Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời như tổ hợp tác chăn nuôi bò, tổ hợp tác nuôi dê, HTX trồng rau an toàn, HTX ứng dụng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cho các thành viên.
Nhiều HTX nông nghiệp nỗ lực liên kết với các doanh nghiệp tổ chức cho nông dân sản xuất lúa giống hàng hóa nhằm nâng cao giá trị kinh tế. |
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 605 HTX và 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động tốt. Có 90 HTX có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với 125 sản phẩm được công nhận 3 sao và 4 sao.
Thời gian qua các HTX nông nghiệp đã tập trung đáp ứng các dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thành viên, hướng dẫn thành viên sản xuất theo kế hoạch và lịch thời vụ. Cạnh đó, không ngừng đổi mới phương thức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Trong khi đó, các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tích cực khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh, khôi phục lại thị trường cũ và tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới.
Về mô hình tổ hợp tác (THT), phần lớn đã làm tốt nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh; tương trợ nhau về vốn, tiêu thụ sản phẩm... góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa.
Nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương, khen thưởng. Theo đó, trong năm 2022 có 1 HTX được tặng Cờ thi đua của Liên minh HTX Việt Nam, 5 HTX và 2 cá nhân được tặng bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam, 32 HTX và 32 cá nhân được UBND tỉnh tặng danh hiệu doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu, 47 HTX điển hình tiên tiến được tặng giấy khen của Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh...
Gỡ "khó" cho kinh tế tập thể
Tuy nhiên bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, các Hợp tác xã còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập: đa số các HTX có ít nguồn vốn để hoạt động, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Khả năng huy động vốn của các thành viên rất hạn chế, khó vay vốn từ ngân hàng.
Đại diện một số HTX chia sẻ, các chính sách hỗ trợ về vốn chưa giải tỏa được “cơn khát” của HTX hiện nay. Hơn nữa, sau một thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khiến việc đáp ứng điều kiện vay vốn tại HTX đã khó càng thêm khó. Tình trạng HTX gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp với mô hình kinh tế tập thể.
Nhiều HTX đang rất khát vốn để mở rộng sản xuất nhưng không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, một số hợp tác xã thiếu quỹ đất để mở rộng sản xuất …
Sản phẩm của các Hợp tác xã có chất lượng, đã đăng ký thương hiệu, trên sản phẩm có mã vạch truy xuất nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên việc liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều HTX và tổ hợp tác có điều kiện đầu tư phát triển mạnh các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp chủ lực |
Nhiều HTX có số thành viên lớn nhưng vốn góp lại rất ít và chủ yếu thực hiện các dịch vụ “đầu vào”, số HTX làm dịch vụ “đầu ra” còn hạn chế. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành viên kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao; Chưa có nhiều Doanh nghiệp mạnh dạn liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các Hợp tác xã.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu là các hộ gia đình địa phương và một số đại lý nhỏ. Mong muốn lớn nhất hiện nay của HTX là được chính quyền và ngành chuyên môn các cấp quan tâm hỗ trợ, nhất là thị trường tiêu thụ.
Để gỡ khó cho kinh tế tập thể tại địa phương, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài các nội dung hỗ trợ theo quy định, trường hợp HTX đủ điều kiện vẫn được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. Nếu tại một thời điểm, với cùng một nội dung hỗ trợ có những chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì các HTX được lựa chọn chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất.
Nguồn ngân sách thực hiện bao gồm cả nguồn Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh, trong đó để thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 133 tỷ đồng để thực hiện các chính sách của tỉnh, trong đó có 46 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 87 tỷ đồng vốn sự nghiệp.
Ông Lê Ngọc Trung, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tổ chức 16 khóa tập huấn kỹ năng quản trị, kỹ năng Marketing Online, kỹ năng bán hàng và phát triển kênh phân phối, kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, kỹ năng thực hiện chế độ quản lý và phân tích báo cáo tài chính… Nhờ vậy, các HTX, tổ hợp tác đã ứng dụng tốt các kỹ năng này vào việc bán hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ HTX giới thiệu, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các HTX gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.