Tạo môi trường mạng xã hội tích cực, đẩy lùi thông tin tiêu cực
“Mặt trận” chính của các thế lực chống phá
Các thế lực thù địch sử dụng mạng internet để đăng bài, thông tin sai sự thật nhằm mục đích chống phá cách mạng Việt Nam |
Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sức lan tỏa của Internet để phát tán thông tin sai lệch, định hướng dư luận nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Các thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, đặt ra vấn đề cấp bách, cần có các biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Sự lãnh đạo của Đảng trong việc đấu tranh bảo vệ cơ sở tư tưởng được thể hiện rõ nét nhất tại Nghị quyết của Bộ Chính trị số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Tăng cường bảo vệ cơ sở tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan niệm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Trong nghị quyết đã nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Theo thống kê tại thời điểm năm 1997, số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người. Tuy nhiên, đến nay con số này đã lên tới 70 triệu người, chiếm 70% dân số cả nước, đứng thứ 12 thế giới và thứ 6 trong 35 quốc gia và khu vực ở Châu Á.
Mỗi ngày trung bình người dùng Việt Nam dành 7 giờ cho các hoạt động liên quan đến Internet. Tỷ lệ người dùng Internet hàng ngày ở Việt Nam theo thống kê lên đến xấp xỉ 94%.
Với độ tuổi trung bình từ 18 - 34, “độ tuổi vàng” của công tác truyền thông hướng đến, mạng xã hội cho phép tiếp cận đông đảo nhóm công chúng trẻ, nhanh, hiệu quả trong việc truyền thông hình ảnh các doanh nghiệp và hoàn toàn có khả năng trở thành công cụ đắc lực cho hoạt động truyền thông chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sự phát triển của Internet đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự chuyển dịch phương thức tuyên truyền chính trị đến với cán bộ, đảng viên và người dân cả nước. Mạng xã hội trở thành công cụ đắc lực trên mặt trận lan tỏa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việc nắm bắt kịp thời các thay đổi, xu hướng trên mạng xã hội giúp các cơ quan Nhà nước có thể phổ cập rộng rãi, nhanh chóng và hiệu quả các chính sách, đường lối của Đảng tới mọi tầng lớp Nhân dân.
Bên cạnh đó, nhờ dòng thông tin 2 chiều, các cơ quan Nhà nước thuận lợi ghi nhận sự phản hồi, các ý kiến, nguyện vọng từ phía người dân để có những điều chỉnh kịp thời.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian gần đây khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội đã trở thành “mặt trận” chính của các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ ta.
Sự bùng nổ công nghệ toàn cầu khiến mạng xã hội ngày càng có nhiều tính năng, tiện ích trong việc lan tỏa rộng rãi thông tin một cách nhanh chóng càng khiến cho nhiều thông tin sai lệch nhằm chống phá Đảng được các thế lực thù địch lợi dụng nhiều hơn.
Nhờ sự phổ rộng của mạng xã hội, một tin tức chính trị khi được đăng tải trên mạng xã hội có thể ngay lập tức tiếp cận hàng triệu người trên khắp thế giới và những người này tiếp tục trở thành những người lan truyền thông tin thông qua việc chia sẻ. Nhờ đó, các thông tin được lan truyền rộng rãi, không giới hạn.
Trong những năm qua, việc sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính trị quan trọng đã trở nên phổ biến trong các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí.
Hầu hết các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều mở các trang fanpage riêng nhằm tuyên truyền và cập nhật những thông tin, sự kiện mới về tình hình chính trị, xã hội tới người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương, các trang fanpage còn chưa được chú tâm, các nội dung truyền tải chưa có chiều sâu và chưa đầu tư vào nội dung riêng phù hợp với nền tảng mạng xã hội. Do đó, sự tương tác và lượng theo dõi cũng còn khiêm tốn so với tiềm năng thực tế.
Thách thức trong công tác quản lý mạng xã hội
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực đến công tác truyền thông chính trị, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch.
Chúng lợi dụng sự phát triển mạng xã hội để: Móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, tung tin giả mạo, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, nhằm gây ra tâm lý hoang mang, suy giảm lòng tin của Nhân dân vào vai trò của Đảng. Cùng với đó, vấn đề này cũng tạo ra thách thức lớn về công tác quản lý thông tin.
Với lượng người dùng khổng lồ và những tài khoản ẩn danh, việc ai cũng có thể đăng tải thông tin khiến cho tình trạng tin giả xuất hiện ngày càng phổ biến, gây nhiễu loạn các nguồn tin chính thống.
Phần lớn, người dùng chưa được trang bị kỹ năng phân biệt, nhận diện tin giả dẫn tới dễ bị lôi kéo bởi tâm lý “đám đông”, tạo hiệu ứng “tẩy chay”, “ném đá” hoặc phản đối các chính sách dù chưa hiểu rõ đúng sai, tạo ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Cần tạo môi trường mạng xã hội tích cực, đẩy lùi các thông tin tiêu cực, hướng toàn dân tới các giá trị cao đẹp |
Nắm bắt tầm quan trọng của an ninh mạng, Nhà nước luôn quan tâm sát sao; có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp đã được ban hành, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Việc xây dựng không gian mạng an toàn được ưu tiên hàng đầu, nhằm biến mạng xã hội thành nguồn lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trước thực trạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những yêu cầu, thách thức mới đã được đặt ra. Vai trò và trách nhiệm của Đảng quan trọng hơn bao giờ hết, nằm ở nhiều khía cạnh khác nhau, phản ánh mục tiêu duy trì sự ổn định chính trị và phát triển xã hội theo định hướng đã được Đảng xác định.
Mỗi cá nhân cần tích cực chủ động đăng tải các nội dung tích cực, thông tin tốt trên tài khoản mạng xã hội. Bên cạnh đó, mỗi người cần vận động người thân, bạn bè tích cực đăng tải các hình ảnh đẹp, câu chuyện nhân văn, đề cao cái tốt, cái đẹp lên mạng xã hội… giúp tạo môi trường mạng xã hội tích cực, đẩy lùi các thông tin tiêu cực, hướng toàn dân tới các giá trị cao đẹp, sống có lý tưởng, hoài bão, bản lĩnh, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.