Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức trên không gian mạng
Lợi ích và các mối đe dọa an ninh trên không gian mạng
Cùng với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ Internet, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các kết nối không dây 3G, 4G, 5G, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh và dịch vụ điện toán đám mây, con người tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động, tức thời hơn với mọi mặt đời sống và các mối quan hệ xã hội.
Chính điều này đã biến Internet trở thành không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình, như giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian đó được gọi là “không gian mạng” hay “không gian ảo”.
Lứa tuổi thanh thiếu niên, đoàn viên thanh niên cần được "bảo vệ" trong không gian mạng |
Không gian xã hội trên Internet (không gian mạng) mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội và cá nhân. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn, các đe dọa từ không gian mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia.
Nếu không được bảo vệ, không gian mạng có thể tạo ra những nguy cơ lớn về an ninh, chủ quyền quốc gia, cũng như các mối nguy hại khác. Vì vậy, nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên là rất quan trọng và cấp thiết.
Đáng lo ngại hơn, không gian mạng có thể thành môi trường để các tổ chức khủng bố quốc tế tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội nhắm vào đối tượng giới trẻ. Những điều này tạo ra vô số mối nguy lớn về an ninh và chủ quyền quốc gia.
Trong khi đó, nhận thức của các bạn trẻ về an ninh mạng còn rất hạn chế, tầm quan trọng của an ninh mạng đối với kinh doanh, tài chính và an ninh quốc gia chưa được đánh giá đúng. Các giải pháp an ninh mạng hoặc chưa đủ tốt, hoặc giá thành quá đắt đỏ để tiếp cận, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ không gian mạng.
Chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc” trên không gian mạng
Mục tiêu kế hoạch “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030” do Tỉnh Đoàn Cà Mau triển khai nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng. Qua đó, kế hoạch góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số hóa.
Các chương trình hoạt động cũng giúp, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin và các công cụ, phương tiện kỹ thuật trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng; chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc”, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhiều hoạt động được tổ chức với Chủ đề “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”. |
Đáng chú ý, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 90% cán bộ đoàn, hội, đội, đoàn viên, hội viên và 80% thanh niên, thiếu niên được tuyên truyền và tích cực thực hiện quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Đạt trên 80% và đến năm 2030, đạt 100% cán bộ đoàn, đoàn viên học tập các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương mới của Đảng, của Đoàn thông qua các nền tảng số của Đoàn; Phấn đấu trên 80% và đến năm 2030, đạt 100% đoàn viên kết nạp mới được học lý luận chính trị trên cống thông tin điện tử, học lý luận chính trị dành cho đoàn viên; Đạt trên 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt trên 90% thanh niên sử dụng và tương tác thường xuyên với ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam”.
Đến năm 2025, Tỉnh đoàn Cà Mau đạt tỉ lệ 90% cán bộ đoàn, hội, đội; 80% đoàn viên, hội viên, 70% thanh niên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, hội nhập quốc tế trên không gian mạng; 70% thiếu niên, nhi đồng được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng; đến năm 2030 đạt 100%, trên 90% và trên 80% các chỉ tiêu tương ứng...
Để cụ thể hoá các mục tiêu trên, nhiều cơ sở Đoàn tại các trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, giáo dục truyền thống, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh trong nhà trường; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh trong nhà trường; thực hiện tốt việc phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa học đường, về đạo đức nhà giáo; Xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm trong nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và hạnh phúc.
Tỉnh đoàn Cà Mau cũng tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, các cuộc thi đố vui, thi văn nghệ... nhằm tạo sân chơi, môi trường để đoàn viên, học sinh được giao lưu, học hỏi, chia sẻ và phát huy thế mạnh bản thân, nâng cao tinh thần tự tìm hiểu, khám phá năng lực, khả năng của bản thân góp phần tham gia xây dựng, bồi dưỡng lớp đoàn viên, thanh niên thời kỳ mới có sức khỏe, kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế; Góp phần định hướng nghề nghiệp phù hợp với từng đối tượng học sinh, hướng các em tới những giá trị chuẩn mực của xã hội.