Tạo mọi điều kiện thuận lợi về xử lý chất thải trong chăn nuôi
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 5/1/2025 về việc phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 của Thủ tưởng Chính phủ và Quyết định số 2486/QĐ-BNN-CN ngày 19/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kế hoạch nêu rõ, thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành 4 nhóm mục tiêu, trong đó: Có 80% đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa tính theo giá trị hệ thống chuồng trại, trang thiết bị chuồng trại; 80% chăn nuôi trang trại quy mô lớn vừa sử dụng chuồng trại với trang thiết bị hiện đại (80% chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô lớn áp dụng kỹ thuật chăn nuôi chuồng kín, 80% cơ sở chăn nuôi trâu bò quy mô lớn sử dụng đệm lót sinh học).
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố |
Thành phố cũng phấn đấu 80% các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ áp dụng biện pháp thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi hoặc áp dụng đệm lót sinh học đảm bảo yêu cầu theo quy định; tổng lượng chất thải hữu cơ từ hoạt động chăn nuôi được thu gom, xử lý, tận dụng cho các mục đích khác nhau đạt mức cao nhất.
Để hoàn thành các mục tiêu này, cùng với triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp nhằm phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương cần phát huy nội lực của các cơ sở chăn nuôi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển, liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
UBND thành phố yêu cầu phát triển công nghiệp chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi cần hài hòa, bền vững với phát triển công nghiệp các lĩnh vực khác trong ngành chăn nuôi, như: Giống, thức ăn chăn, giết mổ, chế biến, phát triển nguồn lực, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn trên cơ sở huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, theo nguyên tắc hỗ trợ từ nhà nước, từ nguồn tư nhân và các nguồn vốn khác.
Các cấp, ngành cần chủ động, tích cực vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đơn vị cấp huyện, cấp xã căn cứ vào điều kiện thực tiễn để đề xuất, tham mưu cơ chế, chính sách, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu để phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững, chuyên môn hóa, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và phát triển kinh tế địa phương.
UBND thành phố yêu cầu phát triển công nghiệp chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi cần hài hòa, bền vững với phát triển công nghiệp các lĩnh vực khác trong ngành chăn nuôi |
UBND thành phố cũng lưu ý UBND các huyện, thị xã cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đúng theo chủ trương phát triển của thành phố.
Đồng thời, UBND các huyện, thị xã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện các đề án, dự án phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi. Từ đó hình thành, phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi sinh học, chăn nuôi gắn liền với xử lý chất thải, tái tạo năng lượng chất thải để tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản phẩm chăn nuôi theo hướng xuất khẩu…