Bán đấu giá sâm Ngọc Linh “tiếp sức” làng tái định cư Tu Thó
Kon Tum: Nhận diện đầy đủ hơn giá trị của sâm Ngọc Linh Sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn Kon Tum: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn |
Anh Võ Quốc Việt đến từ TP Kon Tum trúng đấu giá 1kg sâm Ngọc Linh với giá 150 triệu đồng (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, huyện quyết định sẽ tổ chức bán đấu giá 1kg "quốc bảo" sâm Ngọc Linh để lấy kinh phí hỗ trợ người dân Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) phát triển du lịch cộng đồng.
Việc đấu giá diễn ra theo 2 hình thức là trực tiếp cho những người tham gia tại làng và trực tuyến qua các nền mạng xã hội dành cho người không đến dự trực tiếp. Người trả giá cao nhất sẽ nhận được 1kg sâm Ngọc Linh từ 9 - 10 năm tuổi để bồi dưỡng sức khoẻ cho người thân, gia đình, bạn bè dịp tết nguyên đán này.
Tại buổi đấu giá, 2 vị khách đến từ TP Kon Tum đã trúng đấu giá 1kg sâm Ngọc Linh với giá 150 triệu đồng và 350gram sâm Ngọc Linh với giá 100 triệu đồng.
Vị khách trúng đấu giá 350gram sâm Ngọc Linh với giá 100 triệu đồng (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Theo ông Võ Trung Mạnh, số sâm Ngọc Linh được mang bán đấu giá trên, do một hộ dân trên địa bàn tặng, nhằm mục đích giúp huyện có kinh phí triển khai công tác chăm lo cho người dân Làng Tái định cư Tu Thó khi làng được công nhận là Làng du lịch cộng đồng.
Đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, cùng giúp đỡ nhau phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn.
Trước tình cảm của hộ dân tặng sâm, huyện đã rà soát, nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến người dân, qua đó xác định làng đang thiếu ngôi nhà dài để phục vụ đón du khách.
Ngồi nhà dài là một nét đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng, tuy nhiên, theo thời gian, hiện đã không còn. Kinh phí dự kiến để xây dựng nhà dài này là khoảng 180 triệu đồng.
Số tiền bán đấu giá sâm sẽ dành hết để xây dựng căn nhà dài. Việc đấu giá sẽ công khai, minh bạch, dưới sự chứng kiến của người dân trên địa bàn huyện.
"Ngay khi bán đấu giá, huyện sẽ bắt tay xúc tiến để hỗ trợ bà con xây dựng nhà dài, giúp đồng bào Làng Tái định cư Tu Thó có thêm điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, hướng đến việc vừa bảo tồn văn hoá đặc sắc, vừa có thêm thu nhập để vươn lên thoát nghèo, làm giàu, an cư trên chính mảnh đất sản sinh ra cây quốc bảo sâm Ngọc Linh”, ông Mạnh nói.
Làng Tái định cư Tu Thó được xây dựng từ khoảng 5 năm trước, nhằm di dời người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đến ở. Sau 5 năm di dời, cuộc sống người dân đã khởi sắc từng ngày.
Đến nay, thôn đã có 164 hộ, hộ nghèo chỉ còn 31 hộ, chiếm 18,9%. 100% hộ có nhà ở kiên cố, nhiều nhà đầu tư xây dựng từ 200 triệu đến 800 triệu đồng.
Số hộ khá giả, nhà ở khang trang khoảng 30 hộ. Tư duy của bà con cũng thay đổi, từ phá rừng sang trồng rừng; từ trông chờ ỷ lại đến chủ động bán trâu bò để lấy vốn phát triển các mô hình kinh tế cao.
Làng tái định cư Tu Thó được công nhận là làng du lịch cộng đồng, mở ra cơ hội lớn trong việc nâng cao thu nhập nhờ phát triển du lịch ở vùng đất có nhiềm tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, vườn dược liệu quý.