Đưa Luật Thủ đô đến gần hơn với người lao động
Tổ chức thi hành Luật Thủ đô là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu Tập huấn cho 100% đối tượng thực thi Luật Thủ đô Để khoa học công nghệ là khâu đột phá trong phát triển Thủ đô... |
Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện
Hà Nội có trên 78.000 người có công hưởng trợ cấp hàng tháng; hơn 4 triệu người lao động; gần 200 người có công và hơn 8.000 đối tượng bảo trợ xã hội, người nghiện ma túy đang được nuôi dưỡng, quản lý trong các trung tâm.
Hoạt động truyền thông, tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội (Ảnh:Thu Minh) |
Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đề ra chủ trương: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu”.
Thể chế hoá chủ trương này, cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành các chính sách đặc thù, vượt trội đối với công tác an sinh xã hội.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, năm 2024, Hà Nội giải quyết việc làm cho 225.858 lao động, đạt 136.9% kế hoạch giao trong năm.
Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2,54%, đạt chỉ tiêu <3% TP đề ra; số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp giảm gần 10% so với năm 2023.
Về tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm đạt 74,25%, vượt 0,05 điểm % kế hoạch; trong đó có bằng cấp là 54,06%, vượt 0,06 điểm% so với năm 2023. Chỉ số đào tạo lao động luôn nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc, khẳng định được chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với cả nước.
Năm 2024, Hà Nội giảm 690 hộ nghèo, vượt gần 200% chỉ tiêu đề ra. Cuối năm 2024 Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố, chỉ tiêu về giảm nghèo đã về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025.
Đến nay 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa vượt 168,5% kế hoạch; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau...
Công tác chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt được kết quả ấn tượng. Đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã mở tài khoản cho 94,78% đối tượng quản lý; trong đó đã thực hiện chi trả qua tài khoản đạt 97,6% số đối tượng có tài khoản.
Cùng với đó, Hà Nội hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn thành phố đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.
Các kết quả trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển, thu ngân sách thành phố đạt mức kỷ lục trên 500 nghìn tỷ đồng; đặc biệt công tác an sinh xã hội đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2024.
Thúc đẩy triển khai Luật Thủ đô
Năm 2025, với việc Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, hệ thống an sinh xã hội sẽ phát triển toàn diện hơn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu.
Cụ thể, tại Luật Thủ đô 2024 đã quy định rõ: “Xây dựng hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Thủ đô bảo đảm đa dạng, toàn diện, hiện đại, bền vững, bao phủ toàn dân; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, trợ giúp xã hội, trợ giúp pháp lý, nước sạch, nhà ở xã hội, tiếp cận thông tin” (khoản 1 Điều 27).
Khám sức khỏe miễn phí cho nữ công nhân lao động tại Khu Công nghiệp Nội Bài |
Theo đó, Luật Thủ đô 2024 quy định một số chính sách đặc thù về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Cụ thể, về chính sách xã hội, Luật giao quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đối tượng cần hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp trong trường hợp không bố trí được đất sản xuất (khoản 2 Điều 27).
Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, Luật giao quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định đối tượng và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, đối tượng khác, bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, hỗ trợ đối với các đối tượng khác theo mức cao hơn hoặc hỗ trợ cho đối tượng chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi trên địa bàn TP (khoản 3 Điều 27).
Đây là chính sách an sinh xã hội ưu việt của TP Hà Nội nhằm góp phần ngăn chặn bệnh tật từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi, cần thiết và phù hợp với bối cảnh khi TP Hà Nội có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp.
Năm 2025, mặc dù đang tập trung thực hiện chủ trương lớn của Đảng, nhà nước về sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy nhưng các cấp, ngành trên địa bàn Hà Nội vẫn chủ động và tập trung cao độ trong triển khai các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là tuyên truyền thực thi Luật Thủ đô.
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã mạnh dạn báo cáo UBND thành phố và đã được thành phố chấp thuận tạm ứng ngân sách thành phố để chi trả phần chênh lệch trợ cấp ưu đãi người có công theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7 của Chính phủ.
Cùng với việc thực hiện các chính sách trong dịp Tết, năm 2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội xây dựng chương trình công tác, trong đó sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành 37 văn bản quan trọng, trong đó một số kế hoạch đã được UBND thành phố ban hành ngay từ tháng 12/2024.
Để triển khai các chính sách ưu việt về an sinh xã hội, việc làm đến với người lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đang tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai Luật Thủ đô gắn với Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).
Theo đó, việc triển khai sẽ được Công đoàn các cấp cụ thể hóa bằng nội dung chương trình, kế hoạch gắn với các chùm hoạt động cụ thể trong từng mảng nội dung, công tác; đồng thời gắn với các công trình phần việc thi đua với những chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể.
"Các hoạt động triển khai sẽ gắn với mối quan hệ lao động, môi trường sản xuất, kinh doanh để tác động trực tiếp đến tâm tư nguyện vọng, vấn đề đời sống việc làm của người lao động, qua đó người lao động sẽ hiểu được quyền và lợi ích khi tham gia thực thi Luật Thủ đô, Luật Công đoàn (sửa đổi).
Mỗi hoạt động cấp Công đoàn đó sẽ góp phần trong việc phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước", Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.