Tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng đời sống người dân
Tiên phong, đột phá trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ |
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Với 7 Chương, 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và đang từng bước đi vào đời sống. Các quy định trong luật khá thông thoáng, giao quyền tương đối rộng cho chính quyền thành phố, bên cạnh đó có nhiều chính sách đột phá liên quan đến các lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông… Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo bàn đạp cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn; đồng thời tác động sâu sắc đến đời sống người dân, trong đó có người trẻ.
Bạn trẻ Nguyễn Duy Thái (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Ùn tắc giao thông đã từ lâu trở thành “đặc sản” của Thủ đô. Tuy nhiên, các biện pháp tháo gỡ đã thực hiện chưa mang lại hiệu quả thực sự. Đối với vấn đề này, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định cho phép Hội đồng Nhân dân được thực hiện giải pháp, biện pháp về kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân trong nội đô, quy định vùng phát thải thấp, giảm ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây ra...
Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung phát triển giao thông công cộng theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Đây là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Mô hình này nhằm mục đích giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu cho bài toán giao thông của Thủ đô”.
Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định đột phá đối các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục |
Theo Duy Thái, mô hình TOD đã được nhiều nước, trong đó có Nhật Bản ứng dụng thành công. Hà Nội có thể học hỏi, áp dụng sáng tạo vào thực tiễn và phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
Anh Nguyễn Đình Tuấn (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tin tưởng Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào đời sống sẽ tác động sâu sắc, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Theo anh Tuấn, bên cạnh vấn đề giao thông, hiện nay, tại một số khu vực nội đô, mật độ dân cư rất đông, ảnh hưởng đến chất lượng sống, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vấn đề này được người dân rất quan tâm.
Môi trường sống tốt hơn
“Mình nhận thấy trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định liên quan đến chỉnh trang, tái thiết đô thị, trong đó có đề ra giải pháp, chính sách mạnh mẽ hơn để quy hoạch lại, tái thiết từng khu vực trong nội đô. Những khu hiện nay mật độ dân số lớn, mật độ xây dựng cao có thể sắp xếp lại; xử lý các khu công trình lấn chiếm, các công trình có nguy cơ sụp đổ...
Mặt khác, mô hình TOD được áp dụng sẽ tạo điều kiện sống tốt, giao thông thuận lợi hơn, góp phần thay đổi thói quen của người dân, không còn lựa chọn sống trong những ngõ, ngách. Vấn đề về mật độ dân cư đông cũng được giải quyết”, anh Tuấn cho biết.
Với nhiều chính sách đột phá, học sinh Hà Nội sẽ có môi trường học tập tốt hơn |
Hà Nội dân số ngày càng tăng, vì vậy tác động của Luật Thủ đô (sửa đổi) tác động đến lĩnh vực giáo dục được chị Phạm Thúy Vân (khu đô thị Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đặc biệt quan tâm. Theo chị Vân, hiện nay rất nhiều gia đình lo lắng tìm chỗ học cho con vì thiếu trường, thiếu lớp. Mặt khác, sĩ số lớp lớn (đa phần trên 50 học sinh) sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các cháu.
Chị Vân tìm hiểu và được biết, dân số Thủ đô tăng rất nhanh, nhu cầu người dân tăng nhanh nhưng diện tích chỉ có hạn. Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố không có được thẩm quyền quyết định để xây thêm trường ở đâu nữa vì vướng theo quy hoạch.
“Với cơ chế vượt trội trong Luật Thủ đô (sửa đổi) Hà Nội có thể “xé rào” lấy đất xen kẹt hoặc đất chỗ nào đó trước đây chưa đúng với quy hoạch để phục vụ cho hạ tầng giáo dục. Như thế sẽ có thêm trường học trong nội đô phục vụ việc học tập, sinh hoạt của thanh thiếu nhi tốt hơn”, chị Vân chia sẻ.