eMag azine
22/09/2024 07:00
Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi

22/09/2024 07:00

TTTĐ - Với rất nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong Luật Thủ đô năm 2024, Hà Nội cần thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Quốc hội đã trao, với một tinh thần trách nhiệm cao nhất và đội ngũ cán bộ, công chức với tư duy, tầm nhìn mới và tinh thần cao.
Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi
Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi
Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi

“Cán bộ là gốc của mọi việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Việc triển khai Luật Thủ đô cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Luật Thủ đô năm 2024 đã luật pháp hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã, từ đó giúp cấp ủy và chính quyền các cấp của thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế.

Tại Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội hồi tháng 5/2024, trước khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, một số ý kiến của các thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã đề nghị lựa chọn việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới.

Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi

Trong khi đó, tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ngay sau kỳ họp thứ 7, nhiều cử tri các quận, huyện trên địa bàn TP đã bày tỏ sự phấn khởi khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, đồng thời đề xuất, UBND TP phối hợp các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết Luật, giúp Luật Thủ đô sớm đi vào đời sống, tạo nguồn lực, cơ chế, chính sách đặc thù, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Có thể thấy, đã và đang có một quyết tâm rất lớn trong toàn hệ thống chính trị TP Hà Nội về triển khai Luật Thủ đô.

Theo PGS. TS Bùi Thị An, chủ trương có đi vào cuộc sống được không phải thông qua việc thực hiện của con người. Con người luôn luôn đóng vai trò quyết định rất quan trọng trong tất cả các khâu, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện. Nếu biết tổ chức tốt thì mọi chủ trương sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

“Luật Thủ đô sắp có hiệu lực, TP cần chuẩn bị một lực lượng để đón nhận. Lực lượng này phải có sự hiểu biết, nắm chắc Luật, đồng thời hiểu rõ tình hình của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay và tới đây” - bà An chia sẻ và nhấn mạnh: Việc chuẩn bị con người phải từ TP tới tận cơ sở để cho việc vận dụng Luật Thủ đô ở các lĩnh vực được hiệu quả, bởi chính họ sẽ hiểu rõ lĩnh vực của mình, biết đâu là điểm cần đột phá.

“Hà Nội cũng cần rà soát ngay đội ngũ cán bộ, thiếu đâu thì bổ sung đó, ai không làm được thì đứng sang một bên, chỉ như vậy mới tạo được khí thế và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân” - PGS.TS Bùi Thị An nói.

Tâm huyết với việc Luật Thủ đô cho phép phân cấp triệt để, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, nếu con người đủ trình độ, đủ tâm, đủ tầm thì cấp nào cũng sẽ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được phân cấp, làm cho bộ máy tinh hơn, gọn hơn, hiệu quả hơn; đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp, người dân.

Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi

Vì thế, Hà Nội cần chuẩn bị con người tinh thông nghiệp vụ và tâm huyết với Thủ đô để khai thác hết lợi thế của Luật Thủ đô, để áp dụng Luật vào cuộc sống một cách hiệu quả. Nếu không thì Luật Thủ đô vẫn chỉ là Luật Thủ đô mà thôi.

Cũng theo bà An, cần thiết thì nên thực hiện Luật Thủ đô theo tinh thần chỉ thị 24 của Thành uỷ. Hà Nội cũng cần linh động trong khuôn khổ Luật quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần các đồng chí đứng đầu, bởi mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng nhưng lại có sự liên ngành nên người đứng đầu nếu có tầm, có tâm thì sẽ quy tụ được lòng người, nhân tài chung sức xây dựng Thủ đô.

Quan trọng là cán bộ các cấp phải hiểu được một cách đầy đủ cặn kẽ các điều khoản của Luật Thủ đô để vận dụng vào cho Hà Nội ở từng lĩnh vực một, từ đó mới có những kiến nghị, sáng tạo, cách làm để vận dụng Luật vào cuộc sống. Nếu không hiểu, không nắm chắc sẽ máy móc, cứng nhắc, dẫn tới Luật Thủ đô không phát huy hiệu quả.

Muốn vậy, việc tuyên truyền hiện nay phải được thực hiện rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tới Nhân dân Thủ đô, để theo dõi, giám sát lại quá trình thực hiện Luật. Đồng thời, để cán bộ, người dân thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm, trong vận dụng, đem lại sự sáng tạo, hiệu quả trong thực thi Luật.

Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi

Ngay trong Luật Thủ đô cũng đã có những điều khoản về thu hút trọng dụng nhân tài, đưa con người thành nguồn lực để phát triển bền vững. Điều này cũng gián tiếp nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người trong thực hiện Luật Thủ đô.

Một số ý kiến cho rằng, cùng với việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ, Hà Nội cần xác định cụ thể các chính sách để đãi ngộ thu hút nhân tài. Quan trọng, Hà Nội cần có tư duy thoáng hơn, cởi mở hơn nữa về tài chính để trọng dụng nhân tài phục vụ Thủ đô.

Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị).

Theo đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị): Việc thu hút trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao quy định trong Luật Thủ đô là một chính sách lớn và quan trọng. Nếu Thủ đô không thu hút, trọng dụng được nhân tài và không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Luật Thủ đô.

TS Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô đã thiết kế 1 điều riêng ''Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao'' (Điều 17) - thể hiện được tinh thần vượt trội, không những tuyển dụng các sinh viên xuất sắc, mà mở rộng thêm cả người nước ngoài; đồng thời bao quát ở nhiều lĩnh vực.

Điểm mới trong dự thảo Luật là thay đổi, mở rộng thêm các đối tượng; đồng thời, thể hiện tinh thần phân quyền của Trung ương cho HĐND TP Hà Nội. Nếu HĐND TP ban hành nghị quyết sẽ cụ thể hoá được cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, cần quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, điều kiện thế nào để trở thành nhân tài, phải chia ra các nhóm khác nhau.

Khi chính sách này được áp dụng, phải quy định rõ công việc, vị trí việc làm thế nào để thể hiện được chính sách vượt trội. Cùng đó, có cơ chế, thủ tục tuyển dụng đơn giản; khi tuyển dụng vào rồi phải có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch, điều chỉnh chính sách.

Quan trọng nhất, đó là phải có môi trường cho họ phát huy được năng lực, đảm bảo điều kiện về lương, chính sách vượt trội mới có thể giữ chân được người tài. Do đó, Hà Nội phải cụ thể hoá trong nghị quyết của HĐND TP.

Còn theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Luật Thủ đô, điều cần thiết là xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu “vừa hồng, vừa chuyên”, bảo đảm năng lực, có ý thức trách nhiệm cao và gương mẫu trong tổ chức triển khai thực hiện luật.

“Với rất nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong Luật Thủ đô, chúng ta phải thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Quốc hội đã trao, với một tinh thần trách nhiệm cao nhất và đội ngũ cán bộ, công chức với tư duy mới, tầm nhìn mới, với yêu cầu đòi hỏi mới phải tự nâng cao năng lực, trình độ. Cùng với đó, tinh thần “vì Nhân dân phục vụ” phải cao hơn nữa, lúc đó chúng ta mới có thể triển khai thực hiện luật một cách tốt nhất”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nói.

Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi

Cũng theo bà Mai, các công việc sắp tới cần sự nỗ lực đồng hành, cộng đồng trách nhiệm từ lãnh đạo TP đến các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tổ chức thực thi Luật. Từ đó, phát huy cao nhất những giá trị cốt lõi trong Luật Thủ đô năm 2024 mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã tin cậy giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.

Ngày 25/6/2024, kết luận Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã yêu cầu, các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Rõ ràng, việc triển khai tổ chức thực hiện Luật Thủ đô giờ là trách nhiệm chính trị của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trong hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở.

Đây là việc không dễ nhưng Hà Nội có nhiều kinh nghiệm thành công trong thực hiện việc mới, việc khó. Điển hình là trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, trong triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, nhất là với công tác giải phóng mặt bằng, Hà Nội đều thành công nhờ huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.

Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi

Khi đó, cấp ủy tổ chức Đảng là hạt nhân, bí thư cấp ủy là “nhạc trưởng” huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Cách thức triển khai là bài bản, khoa học, từ ban hành văn bản chỉ đạo bằng chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đến phân công nhiệm vụ, tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện đều diễn ra nghiêm túc, hiệu quả. Không chỉ có cấp dưới chủ động, cấp ủy cấp trên cũng hỗ trợ kịp thời khi có khó khăn.

Ở cùng cấp, cấp ủy là chỗ dựa nhưng không làm thay chính quyền; chính quyền chủ động thực hiện nhiệm vụ nhưng không tách rời sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên phụ trách địa bàn cũng không đứng ngoài cuộc; vừa giúp đỡ, hướng dẫn, vừa kiểm tra, giám sát, coi kết quả thực hiện nơi mình phụ trách là một tiêu chí đánh giá thi đua...

Đây đều là những bài học, những kinh nghiệm quý để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô triển khai thực hiện Luật Thủ đô năm 2024 trong thời gian tới.

Cả hệ thống chính trị TP và Nhân dân Thủ đô cùng vào cuộc hành động trên dưới một lòng hướng về một đích. Đó là kinh nghiệm cần thiết và cũng là cơ sở để tin rằng Luật Thủ đô đi vào cuộc sống thuận lợi, thực sự đem lại sức sống mới, động lực mới cho Hà Nội phát triển hướng tới mục tiêu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

(còn nữa)


Bài viết liên quan loạt bài "Đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống: Khơi thông nguồn lực, tạo đột phá để vươn tầm":

Bài 1: Giữ "mạch" quyết tâm tìm kiếm những chính sách đặc thù Bài 2: Chủ động, trách nhiệm và khẩn trương Bài 3: Linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Luật Bài 5: Để "cơ hội vàng" thu về trái ngọt…

Tú Linh – Phạm Mạnh

Bài 4: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi

« Xem bài 3

Xem bài 5 »

Phạm Mạnh Tú Linh