TTTĐ - Hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh tầm vóc, ý nghĩa thời đại và giá trị lịch sử của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 đang được trưng bày tại triển lãm "Điện Biên Phủ trên không - Bước ngoặt lịch sử" từ nay cho tới hết tháng 1/2023 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội).
Hòa trong không khi kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972-12/2022), 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2022), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm nhằm tri ân, tôn vinh những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
|
Triển lãm “Điện Biên Phủ trên không - Bước ngoặt lịch sử” diễn ra từ nay tới hết tháng 1/2023 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) |
Triển lãm bao gồm 3 phần chính: "Âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ", "Chiến thắng trên bầu trời Hà Nội", "Âm vang Điện Biên Phủ trên không". Các tư liệu, hiện vật phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc, buộc Chính phủ Mỹ nối lại đàm phán và ký Hiệp định Paris năm 1973.
|
Những hình ảnh chân thực về quân và dân ta trong cuộc chiến thu hút sự quan tâm của nhiều du khách |
Ban tổ chức cho biết, Triển lãm có một số hiện vật tiêu biểu được giới thiệu như: Vỏ đạn 100mm - Trung đoàn 252 bắn rơi một B-52 tại Hải Phòng, 26/12/1972; Súng máy phòng không 12,7mm - Tự vệ Thủ đô Hà Nội sử dụng chiến đấu chống cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, 12/1972; Văn bản hiệp định - Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dùng trong Hội nghị Paris, 1/1973; Ghế phi công - Máy bay B-52 bị bắn rơi ở Hà Nội, 27/12/1972; Một số trang bị của phi công B-52 bị bắn rơi tại Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm, 12/1972 - Mũ phi công, sơ đồ, giày cao cổ, đèn tín hiệu, la bàn, thuốc hóa trang, cưa dây…
|
Những vật dụng như: Vỏ mìn nhảy, máy ngắm tia hồng ngoại, điện thoại, bom bươm bướm được Mỹ sản xuất và viện trợ cho quân đội Pháp trong chiến tranh Đông Dương. Bộ đội Việt Nam thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1945 |
Nửa thế kỷ trôi qua, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn mãi khắc sâu trong tâm thức nhân loại về trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược trên bầu trời Hà Nội.
Chiến thắng đã buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973) về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện trọn vẹn tư tưởng Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đồng thời tỏa sáng bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
|
Tại các phần mô tả thông tin hiện vật đều được viết bằng 2 thứ tiếng (tiếng Anh và tiếng Việt) giúp du khách nước ngoài cũng có thể hiểu hơn về lịch sử Cách mạng Việt Nam |
Lịch sử dân tộc đã cho thấy, quân và dân Việt Nam đã luôn thể hiện bản lĩnh và trí tuệ trước nhiều kẻ thù hung bạo nhất của thời đại, nhưng chưa có kẻ thù nào mà binh lực, phương tiện, khí tài chiến tranh lại vượt trội và hơn hẳn gấp nhiều lần như ở trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội này.
Quân đội Mỹ đã huy động mọi vũ khí, khí tài hiện đại nhất, lực lượng quân sự tinh nhuệ nhất và những thủ đoạn tàn bạo nhất để hòng tàn phá đất nước, tiêu diệt và khuất phục ý chí chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc của Nhân dân Việt Nam ngay tại Thủ đô nghìn năm văn hiến.
|
Những chiếc xe đạp thồ đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử |
Với sự nhạy bén, sáng suốt, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu, hành động leo thang tấn công miền Bắc và thủ đoạn kéo dài chiến tranh của đế quốc Mỹ. Ngay từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhận định và có dự báo chiến lược: “Mỹ cũng sẽ đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam”; “Sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc”.
Đến cuối năm 1967, Bác đã căn dặn lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
|
Hai du khách nước ngoài đang trao đổi về những vũ khí mà người dân Việt Nam đã sử dụng trong các cuộc kháng chiến |
|
Những tư trang quân đội ta thu được của quân địch sau cuộc chiến |
|
Cờ do Nhân dân Cao Bằng tặng Đại đoàn 316 |
|
Du khách nước ngoài thích thú xem phóng sự về chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không |
|
Sa bàn mô phỏng chiến dịch khiến cả trận đánh như hiện ra trước mắt |
|
Hình tượng người lính quả cảm được trưng bày tại bảo tàng |
|
Mũ và giày của phi công còn sót lại được trưng bày trong tủ kính |
|
Chị Linh (Đống Đa, Hà Nội, ngoài cùng bên phải) đang chia sẻ cho con trai biết những thông tin về hiện vật tại bảo tàng. "Từ những hiện vật thế này, tôi có thể giúp cháu hiểu hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Bên cạnh đó cũng là giúp các con thêm trân trọng sự độc lập, tự do như bây giờ", chị Linh chia sẻ thêm |
|
Hai du khách người Pháp cho rằng, "Qua những triển lãm như thế này, tôi càng thấy sự phi nghĩa của chiến tranh. Chiến tranh đã tàn phá, hủy hoại biết bao gia đình. Bằng những hình ảnh chân thực như thế này, tôi nghĩ rằng những người dân Việt Nam sẽ càng yêu quý và biết ơn hơn nữa sự hy sinh của những người lính" |
|
Du khách nước ngoài chụp hình lưu niệm cùng cỗ xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam |
|
Xác máy bay còn sót lại sau trận đánh |
Triển lãm là sự tri ân, tôn vinh những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phóng sự về bản hùng ca bất diệt "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" được chiếu tại triển lãm