Số người trẻ mắc bệnh huyết áp gia tăng
Trong khuôn khổ chương trình, các bác sĩ Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức thăm khám, tư vấn các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch cho người dân.
Bài liên quan
Biến chứng đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
Người bị bệnh tim nên cẩn trọng khi dùng Sibutramine để giảm cân
Giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe
Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ VII năm 2018: Phòng chống các bệnh không lây nhiễm
Ngày 26/12, Viện tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình giao lưu tọa đàm về sức khỏe tim mạch.
Chương trình có sự tham gia của GS.TS.NGND Nguyễn Lân Việt – Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam; PGS.TS.NGƯT. Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam.
Tại buổi giao lưu các chuyên gia cho biết, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ Đô la/năm.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.
Trong các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp là loại bệnh lý phổ biến nhất và tỷ lệ mắc bệnh này cũng gia tăng rất rõ. Nếu như những năm 1970 chỉ có khoảng 2 % người lớn bị tăng huyết áp thì những năm 1990 là 11% và những năm đầu 2000 là 16%.
Năm 2008, nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có tới 25,1% người trưởng thành mắc bệnh Tăng huyết áp. Gần đây nhất, năm 2015 một nghiên cứu tại cộng đồng do Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành điều tra dịch tễ học tăng huyết áp tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc cho thấy tỷ lệ THA đã lên tới 47,3% ở những người trên 25 tuổi.
Do đó, tỷ lệ tăng huyết áp ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi so với khoảng 10 năm trước. Theo các chuyên gia, đã tới lúc chúng ta phải chặn xu hướng phát triển và làm giảm gánh nặng của bệnh này lên xã hội với những biện pháp thích hợp nhất.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Việt chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm |
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam cảnh báo: “Đáng lo ngại là có những người còn rất trẻ cũng tăng huyết áp. Trong khi tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng. Các triệu chứng tăng huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nên đi khám phát hiện ra bệnh. Tuy nhiên, có người phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng. Từ các biến chứng về tim mạch, não, mắt, thận, đến những tai biến về mạch não là nhiều nhất. Một khi đã xuất huyết não, nhũn não thì việc điều trị hết sức khó khăn”.
Với thông điệp kiểm soát huyết áp và các bệnh lý tim mạch để sống vui sống khỏe, các chuyên gia Viện Tim mạch đã tư vấn các biện pháp phòng chống tăng huyết áp, tim mạch cho gần 300 người dân tham gia chương trình, khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tật.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Việt cho biết thêm: “Với tất cả mọi người, nhất là người trẻ cần phải điều chỉnh lối sống cho phù hợp. Thứ nhất là về chế độ ăn uống, không được ăn mặn, hạn chế bia rượu, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều cholaterol. Đặc biệt là không hút thuốc lá, thuốc lào vì có liên quan đến các bệnh lý tim mạch rất rõ ràng. Hạn chế tối đa căng thẳng, cần có thời gian nghỉ ngơi trong tháng, trong ngày, trong tuần và cần có hoạt động thể lực đều đặn”.
Bộ Y tế đã đề ra mục tiêu, đến năm 2020 sẽ phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp cho 50% số người mắc bệnh và 30% số người phát hiện bệnh được quản lý và điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.