Số ca mắc bệnh sởi tăng cao gần gấp 3 lần
Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm
Tháng 4/2024, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.
Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực Châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi tăng cao.
Số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh ở Việt Nam |
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trinh tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỉ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, bao gồm bệnh sởi.
WHO cảnh báo thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc, các ổ dịch mới, nhất là những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong; số mắc tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tuần qua, Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận.
Trường hợp này là một bé gái 10 tuổi, ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi. Bệnh nhi khởi phát bệnh ngày 27/3. Đến ngày 12/4, xét nghiệm ELISA IgM sởi và rubella của bệnh nhi cho kết quả dương tính.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… nếu không có miễn dịch phòng bệnh có thể sẽ gây thành dịch. Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém.
Bệnh lây qua đường hô hấp; lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện; Lây gián tiếp ít gặp vì virus sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh.
Theo ghi nhận có đến 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa tiêm ngừa. Virus sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân, nên có thể đã lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi vết đỏ xuất hiện.
Khi bệnh nhân bị ho, hắt xì... những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại…; khi sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, người lành sẽ bị lây bệnh.
Một khi siêu vi sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể, kể cả hệ hô hấp và da. Trẻ em và đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi rất dễ mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra.
Chủ động cho trẻ đi tiêm phòng sởi theo khuyến cáo
TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: Tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch COVID-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng.
Đồng thời, Cục trưởng Hoàng Minh Đức cũng cho biết Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch sởi tái bùng phát trên toàn cầu; còn tại Việt Nam, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong thời gian qua...
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em |
Do đó, theo ông Minh Đức, để phòng chống các bệnh có vaccine dự phòng cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu.
"Các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ", Cục trưởng Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.
Liên quan đến dịch bệnh sởi, để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024, nhu cầu đi lại tăng cao, ngày 26/4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế lưu ý, đối với các bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...), các địa phương cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Hiện nay, vắc xin sởi đã được ngành Y tế cung cấp đầy đủ cho các địa phương, do đó, việc triển khai tiêm phòng diện rộng cho trẻ kịp thời sẽ tránh bệnh dịch bùng phát.