Quảng Ninh xếp thứ 3 bảng xếp hạng DTI năm 2022
Ngày 12/7, tại Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã công bố bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022.
Quảng Ninh bám sát TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng
Ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, tăng 4 hạng so với năm 2021. Xếp trên Quảng Ninh là TP Hồ Chí Minh; TP Đà Nẵng dẫn đầu.
Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
DTI cấp tỉnh năm 2022 được cấu trúc theo 3 trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; bao gồm 9 chỉ số chính là: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh, Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số, với 98 chỉ số thành phần.
Điểm số và thứ hạng của Quảng Ninh ở 3 trụ cột lần lượt là: Chính quyền số 0,7804, xếp hạng 4 (tăng 1 bậc so với năm 2021); Kinh tế số 0,7187, xếp hạng 9 (tăng 5 bậc so với năm 2021) và Xã hội số 0,6864 điểm, xếp hạng 2 (tăng 1 bậc so với năm 2021)..
Ở 9 chỉ số chính trong bảng xếp hạng DTI 2022, Quảng Ninh xuất sắc dẫn đầu ở chỉ số Thể chế số; Đứng thứ 2 chỉ số Hoạt động xã hội số; Xếp thứ 3 ở chỉ số Hoạt động chính quyền số và đứng thứ 4 trong chỉ số Hạ tầng số.
Năm 2022 là năm thứ 3 liên tiếp Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia được triển khai. Các chỉ số được khảo sát và đánh giá là một trong những căn cứ quan trọng để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của cả nước trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Thứ hạng của Quảng Ninh ở các chỉ số chính trong bảng xếp hạng DTI 2022. |
Tại Quảng Ninh, với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, trên cơ sở phát huy kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở giai đoạn trước, tỉnh đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện với quyết tâm cao, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, kiểm đếm thường xuyên, đôn đốc kịp thời và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chuyển đổi số của Chính phủ.
Qua từng năm, công tác chuyển đổi số của Quảng Ninh đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong xếp hạng mức độ chuyển đổi số.
Lấy chính quyền điện tử là nền tảng phát triển hạ tầng số đồng bộ
Tham luận tại hội nghị, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quảng Ninh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương để luôn sáng tạo, chủ động, linh hoạt với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt để tổ chức triển khai thực hiện phát triển hạ tầng số.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại hội nghị từ điểm cầu Quảng Ninh |
Cụ thể, từ năm 2012, Quảng Ninh đã xây dựng hệ thống chính quyền điện tử và coi đó là nền tảng để phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Tới nay, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đạt 100%; Hạ tầng internet băng thông rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt trên 80%, trong đó có trên 50% số hồ sơ là do doanh nghiệp, người dân tự thực hiện.
Đặc biệt, từ năm 2018 Quảng Ninh là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc kết nối thành công và gửi nhận văn bản liên thông 4 cấp từ Chính phủ đến cấp xã, trên 85% công việc 3 cấp đều được xử lý toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử…
Hiện nay, Quảng Ninh đang chỉ đạo rà soát các tiêu chí theo Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đồng thời, chỉ đạo, ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số đến năm 2025 nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ và các nền tảng số có tính hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong năm 2023, tỉnh quyết tâm 100% thủ tục hành chính đều được rút ngắn từ 30 - 70% thời gian giải quyết so với quy định của cơ quan Trung ương; Hơn 60% hồ sơ được giải quyết trước hạn.