Phẫu thuật cắt bỏ khối u hơn 1 kg ở "cậu nhỏ"
Bệnh nhân nam N.V.N (44 tuổi, ở Cao Bằng) đến Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ khám với lý do thấy "cậu nhỏ" có vùng bìu phải to lên bất thường hơn 1 năm nay, khi ấn hay sờ nắn thấy biểu hiện căng tức.
Trước đó, bệnh nhân đi khám tại bệnh viện địa phương, tuy nhiên chỉ nhận được kết luận có khối vùng bìu phải chưa rõ bản chất.
Hình ảnh chụp khối u mỡ tại vùng bìu bệnh nhân |
Tiếp nhận trường hợp này, bác sĩ Đoàn Như Hoa - Chuyên khoa Thận Tiết niệu, Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ tiến hành khám lâm sàng và sử dụng hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh là siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng bìu, tinh hoàn; bác sĩ kết luận bệnh nhân có khối u mỡ vùng bìu phải.
Đồng thời, hình ảnh MRI còn cho thấy bệnh nhân có túi mật viêm mạn tính do sỏi cần loại bỏ ngay nếu không sẽ đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm như vỡ túi mật, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc mật.
Bác sĩ Hoa cho biết thêm: "Với kết cấu trên 95% là mỡ, khối u của bệnh nhân lành tính. Tuy nhiên, khối u này cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt bởi vẫn đang có xu hướng phát triển và tăng kích thước. Hiện tại, khối không xâm lấn da bìu và tinh hoàn, do vậy, việc bảo tồn bóc tách là khả thi và tiên lượng tốt".
Sau 2 giờ làm việc khẩn trương trong phòng mổ, ca phẫu thuật diễn ra thành công ngoài mong đợi. Không chỉ loại bỏ hoàn toàn khối u mỡ bìu phải nặng trên 1 kg, cũng trong lần mổ này, bệnh nhân được bác sĩ còn tiến hành cắt thành công túi mật viêm mạn tính do sỏi đau tái đi tái lại nhiều năm nay.
Trực tiếp thực hiện phẫu thuật, ThS.BS Đặng Văn Quân - Khoa Ngoại, bệnh viện Đa khoa Medlatec nhận định đây là trường hợp đặc biệt, hiếm gặp. Khác với những u mỡ khác nằm ngay dưới da, khối u của bệnh nhân nằm dưới màng tinh hoàn, bao bọc lấy tinh hoàn, bó mạch tinh và ống dẫn tinh.
Chính bởi vậy, trong quá trình phẫu thuật phải phẫu tích rất tỉ mỉ để bảo tồn hoàn toàn bó mạch tinh, ống dẫn tinh và tinh hoàn. Đặc biệt, bệnh nhân còn cần cắt bỏ sỏi túi mật, thực hiện hai ca phẫu thuật trong một lần nên đòi hỏi tiến hành khẩn trương để rút ngắn nhất có thể thời gian gây mê cho bệnh nhân.
Bác sĩ Quân cho biết thêm: "Khối u nặng hơn 1 kg là kích thước rất lớn. Đáng lẽ, bệnh nhân nên được cắt bỏ sớm hơn từ khi khối u có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, do bệnh nhân là người dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng xa xôi nên điều kiện thăm khám cũng như y tế tuyến cơ sở còn hạn chế".
Hiện tại, sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ dần hồi phục và đã được xuất viện.
U mỡ vùng bìu là tình trạng chất béo tích tụ dưới da, qua thời gian hình thành khối có kết cấu mỡ xuất phát từ ống bẹn đi xuống bìu.
U mỡ vùng bìu dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý thoát vị bẹn, tuy nhiên, bác sĩ có những phương pháp để chẩn đoán phân biệt hai căn bệnh này.
Thông thường, trái ngược với thoát vị bẹn, khối u mỡ sẽ không di chuyển hay biến mất khi bệnh nhân nằm, đứng, hít sâu và là khối có tính chất đặc, không xuất hiện tình trạng tràn dịch thông qua hình ảnh nội soi.
Theo bác sĩ Quân, u mỡ thường không gây đau đớn và lành tính. Tuy nhiên, chính điều này khiến nhiều bệnh nhân chủ quan, để khối u phát triển với kích thước lớn và có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân nếu thấy bất kỳ khối bất thường nào xuất hiện trên cơ thể nên lập tức đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán và được xử trí kịp thời.