Nữ sinh bạo hành… còn đâu thanh nhã, dịu dàng
Nữ sinh đánh nhau là hiện thực nhức nhối đau lòng |
Nữ sinh xinh xắn, học "siêu" giỏi ở lĩnh vực cánh mày râu chiếm đa số Yên Bái: Rủ nhau tắm suối, ba nữ sinh lớp 9 đuối nước tử vong |
Giữa những ngày hè chói chang nóng bức, trên mạng xã hội bỗng xuất hiện nhiều video clip với các hình ảnh nữ sinh bạo hành nữ sinh rất dã man, xót xa, đau lòng. Vẫn biết chuyện bạo hành học đường xưa nay đâu có lạ, nhưng nữ sinh hung dữ bạo hành nữ sinh trong lớp, ngoài đường xuất hiện dày đặc trong thời gian vừa qua thì không còn là chuyện bình thường nữa, không còn là tín hiệu cảnh báo nữa, mà đã là hiện thực nhức nhối, đau lòng.
Ngày 17/6/2020, một nữ sinh ở “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên Kim Sơn”,thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bị bạn cùng lớp 10 đánh hội đồng dã man, khủng khiếp hơn là nữ sinh này bị các bạn nữ trong lớp lột quần áo trước mắt nhiều nam sinh.Những phòng vệ yếu ớt bất lực. Tiếng gào khóc van xin tuyệt vọng.
Không những không buông tha, mà nhóm nữ sinh bạo hành còn mạnh mẽ, cuồng điên xé áo quần bạn cùng giới không mảy may thương xót. Phẫn nộ, và đau xót hơn lànhiều nam sinh đứng nhìn, vẫn không can ngăn, mà còn thích thú cầm điện thoại ghi hình, rồi quay sát thân thể chỗ “nhạy cảm” của nữ sinh đang đau đớn, vật vã, tuyệt vọng.
Ngày 11/6/2020, một nữ sinh 13 tuổi trú tại xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị một nhóm bạn gái ép phải đến chân núi Minh Đạm, ở đó có sẵn một số nữ sinh khác, cả đám đôngthay nhau đánh đập, lăng mạ, gây thương tích cho nạn nhân. Cuối cùng, những hình ảnh bầy đàn sát phạtthú tính này cũng được đưa lên mạng một cách thích thú và dại dột
Ngày 27/5/2020,một nữ sinh lớp 11 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh bị một nữ sinh học cùng trường và ba nữ sinh khác học ở Trường THPT huyện Hương Sơnvây đánh hội đồng ngay trên quốc lộ 8A. Túm, giật tóc. Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Chống trả yếu ớt, và buông xuôi, bất lực, chịu trận.Bạo hành diễn ra trước mặt rất nhiều học sinh khác, nhưng không ai khuyên giải, can ngăn. Cuối cùng, các hình ảnh đau lòng xót xa ấy cũng được quay bằng điện thoại tung lên mạng xã hội bằng chính các bạn học cùng lớp, cùng trường.
Cách đây 2 tháng, một nữ sinh trung học cơ sở, trú ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, Nghệ Ancũng bị nhóm nữ sinh mặc đồng phục quây đánh hội đồng. Chửi bới. Dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu. Túm óc giật. Đè ghì xuống đất. Đấm đá… Nạn nhân chỉ còn biết ôm mặt chịu đòn dã man. Sự việc xảy ra trước mắt ông đi qua bà đi lại, vẫn chẳng có ai can ngăn, mà còn dùng điện thoại ghi hình và… tung lên mạng.
Hiện tượng nữ sinh dữ dằn bạo hành nữ sinh ngày càng nhiều, làm tôi nghĩ đến một xã hội đang có nguy cơ bạo lực gia tăng. Song điều lo lắng, hãi hùng lại là tính vô cảm của con người đang lấn át tình thương trong đời sống xã hội. Vô cảm vì rất nhiều người qua đường, và cả bạn học cùng lớp, cùng trường thấy bạn mình là con gái “liễu yếu đào tơ”, mong manh bị cả đám đông quay lại đấm đá, đạp, lột quần áo, mà không có ai can ngăn. Đâu rồi những Hớn Minh chính trực, thấy bất bằng chẳng tha thời hiện đại cứu giúp Lục Vân Tiên?
Đâu rồi Lục Vân Tiên ngay thẳng, xả thân cứu Kiều Nguyệt Nga thời @? Không! Không phải tuyệt giống, nhưng qua các vụ bạo hành nữ sinh, thì chẳng thấy nam sinh nào đáng mặt anh hào cứuvớt nữ sinh yếu ớt, bất lực và tuyệt vọng. Chỉ thấy vừa hèn, vừa vô cảm!
Khủng khiếp hơn nữa là họ điềm nhiên ghi hình, quay phim các hình ảnh bạo hành đau đớn, cùng tiếng kêu cứu tuyệt vọng ngay trước mặt. Thậm chí còn thích thú quay gần, quay sát chỗ “nhạy cảm” của bạn gái mình rồi tung lên mạng cho bàn dân thiên hạ coi. Vô cảm với nỗi đau của đồng loại. Vô cảm với sự ề chề, bẽ bàng của bạn bè! Có ai dám kết bạn, có ai dám yêu thương những người vô cảm trước đòn roi của đồng loại không?
Nữ sinh bạo hành nữ sinh, không ai lường hết hậu quả tai hại như thế nào? Chỉ biết rằng: Qua một trận bạo hành tan tác, hình ảnh các nữ sinh đánh bạn thô bạo, méo mó, xấu đi rất nhiều trong mắt người thân và cộng đồng. Chỉ biết rằng: Sau một trận bạo hành hãi hùng thì nạn nhân bị chấn thương tinh thần khủng khiếp, sống không yên ổn, ám ảnh suốt đời. Thậm chí bị đẩy đến đường cùng tuyệt vọng. Chỉ biết rằng: Qua một trận bạo hành tơi tả, có nữ sinh bị đánh hội đồng, bị lột đồ, bị ghi hình và bị tung lên mạng đã tổn thương danh dự, tinh thần, không dám gặp ai, không dám đi đâu, chỉ muốn chết, rồi… tự tử.
Qua một trận bạo hành, hình ảnh các nữ sinh méo mó đi rất nhiều |
Thật không thể tưởng tượng được vấn đề bạo lực, bạo hành trước đây chỉ thuộc về giống đực – kẻ mạnh – phái nam, thì bây giờ là sản phẩm của thế giới liễu yếu đào tơmà lại quá trẻ trung! Điều gì đã khiến những nữ sinh không ngồi chơi ô ăn quan, không kim chỉ vá may như mẹ như bà, thì cũng ngồi tỉa lá cắm hoa, sửa sang vườn tược, ươm trồng cây xanh, hay sắp xếp trang trí nhà mát mắt, nấu bữa cơm thanh sạch, “không làm đau một chiếc lá trên cành”, dịu dàng, ý nhị tiễn cha mẹ đi làm,… lại có thể hung dữ, sát phạt đồng loại, đồng môn như hổ báo?Còn đâu là nữ tính thanh nhã, duyên dáng, dịu dàng?
Những người có trách nhiệm giải thích nguyên nhân dẫn đến chuyện nữ sinh bạo hành nữ sinh như thế này: Vụ ở Đông Triều, Quảng Ninh: Do các em mua áo đã trả tiền, nhưng không đưa áo, sinh ra cãi nhau trên Facebook, dẫn đến bạo hành ngay trong lớp học. Còn vụ ở Hương Sơn, Hà Tĩnh: “… nguyên nhân xảy ra sự việc là do mâu thuẫn cá nhân”. Vụ ở huyện Đất Đỏ, Bà Rịa cũng là mâu thuẫn cá nhân. Nạn nhân chính là người đã cưu mang kẻ bạo hành mình.
Thực ra, chuyện mâu thuẫn cá nhân dẫn đến bạo hành chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đi tìm nguyên nhân của các cuộc nữ sinh bạo hành nữ sinh cũng không khó. Có thể là môi trường sống, mà cộng đồng và gia đình là các nguyên nhân. Là đạo đức xuống cấp. Là giáo dục chỉ chú ý đến trang bị kiến thức, mà không dạy người. Là thiết chế văn hóa xã hội… Có nghĩa là phải đi tìm nguyên nhân của mọi nguyên nhân, tìm được căn nguyên gốc rễ, chứ không chỉ thấy cành sâu lá úa!
Nhà tâm lý học Zilda Arns nói rằng: “Trẻ con là hạt giống hoặc của hòa bình hoặc của bạo lực trong tương lai, phụ thuộc vào cách chúng được chăm sóc và khuyến khích của cộng đồng và gia đình”.Dân gian Việt Nam thì có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Bạn đọc thử hình dung sống trong một làng cổ 700 năm văn hiến, có chùa cổ, có đình to, có lễ hội, với sống ở một làng mới lập “trai tứ chiếng, gái giang hồ” tụ tập, hầu hết không biết chữ nghĩa thánh hiền, đầu tắt mặt tối mưu sinh, không có một nơi sinh hoạt cộng đồng, chẳng có một chốn tâm linh để chia sẻ niềm tin, đức tin, cả làng sống vô thần?
Bạn đọc thử hình dung một hạt mầm tốt chỉ sống được nơi đất lành đất tốt đem gieo trồng chỗ đất cằn sỏi đá, bốn mùa thừa nắngnóng hạn khô? Cà phê đất đỏ bazan đem trồng nơi núi rừng Việt Bắc, và ngược lại vải tu hú Bắc Giang đem trồng nơi đất bồi phù sa Kim Sơn, Tiền Hải? Tương tự đứa con nhà quý tộc được dạy dỗ chu đáo tử tế, không may sa vào gia đình cùng đinh, bố đi đòi nợ thuê, mẹ buôn bán ma túy? Và ngược lại, đứa con của người cha chuyên đâm thuê chém mướn, mẹ buôn đầu chợ lừa cuối chợ được một gia đình trung lưu nuôi dạy với ông bố nuôi là thầy giáo làng, mẹ nuôi dạy trẻ mầm non?
Một gia đình nề nếp, trên kính dưới nhường, tràn đầy yêu thương thì lối sống, phong cách đứa con chắc chắn sẽ khác với đứa trẻ sống trong gia đình bố đánh chửi mẹ như cơm bữa, trong nhà thừa đòn roi và nước mắt, thiếu nâng niu, trân trọng. Dĩ nhiên, cũng có chuyện “mẹ cú con tiên”, nhưng đó chỉ là tính dị biệt. Chính vì thế, môi trường sống càng lành mạnh, bình yên thì con người với cái tâm an lành càng thuần thiền. Thuần thiền với lòng tràn ngập yêu thương thì sẽ không có mâu thuẫn, chẳng có xung đột.
Nhà trường với sự giáo dục cân bằng, hợp lý giữa đức – trí – thế – mỹ cũng là môi trường tốt để con người phát triển toàn diện, và tính người thiện lành. Con người, khi phần người nhiều hơn, lấn át đè bẹp phần con thì văn hóa, văn minh. Còn khi phần con trỗi dậy làm chủ, sai khiến phần người thì giật lùi về tối tăm man rợ. Giáo dục ở gia đình, cộng đồng, và nhà trường cũng chính là làm cho phần người chiến thắng phần con trong quá trình tiến hóa.
Trong bạo lực, người ta quên mất mình là con người, là ai. Hỏa khí bốc lên đầu. Đôi mắt đỏ ngầu long sòng sọc. Bản năng hoang dã trỗi dậy. Sát phạt và sát phạt. Trước mặt kẻ bạo hành, con người khốn khổ là nạn nhân ấy không còn là con người được nâng niu, trân trọng nữa, mà là kẻ đáng ghét, là kẻ thù để trút nóng giận, thù hận.
Dạy người trước khi dạy nghề trong một môi trường thanh sạch, an lành, tràn ngập yêu thương thì bạo lực, bạo hành mới không có đất sống!