Nữ sinh xinh xắn, học "siêu" giỏi ở lĩnh vực cánh mày râu chiếm đa số
Hoàng Lê Diệu Hường, sinh viên ngành Điện tử - Viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Bài liên quan
Sinh viên ngành luật tranh biện kịch tính trong vòng chung kết cuộc thi Soul of Law 2020
Vinh danh 10 tài năng trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2019
Niềm tự hào dân tộc của “Người thợ trẻ giỏi”
Covid-19 mang đến những tích cực bất ngờ cho sinh viên và thầy cô Đại học RMIT
Nhiều đề tài phục vụ cuộc sống
Mẹ Hường là giáo viên Toán nên từ nhỏ cô gái đã thích học môn này. Khi chọn ngành Hường cũng dựa theo sở thích học Toán, Lý và quyết định “đầu quân” vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bước vào môi trường kỹ thuật nổi tiếng, thậm chí “khó nhằn” nhưng Diệu Hường khiến cánh mày râu chiếm số đông ở Bách khoa nể phục khi vượt qua các môn học khá nhẹ nhàng và giành nhiều thành tích như: Điểm học tập 3.64/4; IELTS 7.0; TOEIC 845/900; Nhận học bổng tài năng của trường.
Diệu Hường bật mí: “Mình nghĩ rằng việc xác định mục tiêu và quyết tâm chinh phục nó là rất quan trọng. Vì vậy, mình luôn lập kế hoạch trong bất kỳ việc gì”.
Năm thứ hai đại học, Hường bén duyên với nghiên cứu khoa học. Cô gái trẻ đã thực hiện nhiều đề tài như: “Hệ thống thông minh IoT cho nông nghiệp”; “Sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện cảm xúc”; “Thiết kế nhúng mạng nơ ron lên phần cứng”…
Đề tài khiến Diệu Hường tâm đắc nhất chính là “Cải thiện chất lượng truyền phát video qua mạng”. Đề tài này, cô gái trẻ thực hiện dưới sự hướng dẫn của các thầy cô hợp tác giữa trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Aizu, Nhật Bản.
Theo Hường, trong những năm gần đây việc học và họp trực tuyến đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt trong dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, chất lượng truyền phát video qua mạng chưa tốt như giật lag, đứng hình, video mờ... khiến cho khả năng tương tác giữa thầy trò và đồng nghiệp kém hiệu quả.
“Đề tài nghiên cứu của mình hướng tới giải quyết các vấn đề này. Khi chất lượng truyền video qua mạng tốt đồng nghĩa việc học và họp trực tuyến trở nên hiệu quả và phổ biến hơn. Nhu cầu đi lại của con người sẽ giảm, từ đó ô nhiễm môi trường cũng giảm đáng kể”, Diệu Hường chia sẻ.
Với những đề tài nghiên cứu thiết thực cho cuộc sống, Hường đã nhận được giải thưởng cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ; Phần thưởng “Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học công nghệ”. Đó là những phần thưởng hướng đến khuyến khích sinh viên có đóng góp trong nghiên cứu và hoạt động xã hội.
Với Hường, đó còn là nguồn động viên tinh thần để cô thêm tự tin trong nghiên cứu khoa học.
“Mình nghĩ nghiên cứu khoa học ở sinh viên là việc không dễ dàng. Để nghiên cứu khoa học hiệu quả, chúng ta cần sắp xếp thời gian biểu hợp lý vì khối lượng học tập trên giảng đường đã khá nặng. Cùng với đó, sinh viên cần linh hoạt và thích nghi nhanh với các kiến thức. Việc nghiên cứu yêu cầu tư duy tạo ra thứ mới thay vì chỉ học theo cái có sẵn”, Hường cho biết.
Năng nổ hoạt động Đoàn
Lớp Điện tử viễn thông của Hường chỉ có 3 bạn nữ. Tuy nhiên cô gái này đã chứng minh “ít nhưng không yếu” khi có thể “cân” được rất nhiều việc cùng lúc.
Từ năm đầu đại học, Hường đã tham gia Ban Thanh niên tình nguyện của Đoàn trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại đây, cô gái trẻ tham gia lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động cho sinh viên trong trường như: Tiếp sức mùa thi, hiến máu tình nguyện...
Diệu Hường cũng tham gia đội truyền thông BTN Media, nơi thiết kế sản phẩm và ghi hình cho các sự kiện. Tại Liên chi Đoàn Viện Điện tử - Viễn thông, cô gái trẻ góp mặt trong Câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học, tổ chức cuộc thi và khóa học chuyên ngành. Ngoài ra, Hường cũng đã tham gia một số hoạt động trao đổi sinh viên như tại trường Temasek Polytechnic (Singapore), trường Chung-ang và KAIST (Hàn Quốc).
“Qua những hoạt động này mình thấy lớn hơn cả về tư duy và thế giới quan. Đây cũng là môi trường để mình rèn luyện, có ý thức hơn về trách nhiệm cống hiến cho cộng đồng và đất nước. Nếu chúng ta làm việc bằng đam mê sẽ không khó để cân bằng thời gian cho cả việc học và tham gia hoạt động Đoàn, Hội”, Hường tâm sự.
Sau khi tốt nghiệp, Hường dự định sẽ học tiếp bậc cao học tại nước ngoài trong một vài năm. Sau đó, cô sẽ trở về Việt Nam làm công việc của một kỹ sư nghiên cứu và phát triển trong ngành Điện tử - Viễn thông.
Diệu Hường cho biết thêm, ở Viện Điện tử - Viễn thông, trường Đại học Bách khoa có 5% là nữ. Tuy nhiên, quan điểm học Bách khoa sẽ khô, khó với nữ là định kiến cần được xóa bỏ. Học kỹ thuật không có điểm nào cản trở sự phát triển của các bạn nữ trong ngành này.
“Mình nhận thấy khi học phổ thông có nhiều bạn nữ thích Toán, Lý nhưng khi chọn ngành nghề lại vì định kiến xã hội mà không dám đăng ký học kỹ thuật. Sau 5 năm, mình thấy rằng học kỹ thuật không có gì khó hơn học Toán, Lý. Vì vậy, các bạn đam mê ngành nào hãy tự tin thực hiện. Vượt qua khó khăn chúng ta sẽ thu về quả ngọt”, Hường cho biết.