Niềm tin từ chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”
Hà Nội tổ chức các hoạt động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tiết kiệm, an toàn |
Những khoảnh khắc không quên
Trong kí ức của người Hà Nội sống trong những ngày Hà Nội rung chuyển dưới mưa bom của giặc Mỹ, chắc hẳn những tiếng còi báo động, những đêm không ngủ, chiếc mũ rơm, hầm trú ẩn vẫn còn là kỉ niệm không bao giờ có thể quên được. Còn với thế hệ trẻ sau này, được tìm hiểu giai đoạn hào hùng ấy của Thủ đô qua các bức ảnh, thước phim, bài hát để lại cũng khiến mỗi chúng ta trào dâng niềm tự hào, xúc động.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe báo cáo các phương án của Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân đánh B-52, năm 1972 (Ảnh tư liệu) |
Đó là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe báo cáo các phương án của Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân đánh B-52 năm 1972 cho thấy chúng ta đã có những phương án được nghiên cứu kĩ lưỡng, tài trí để chống lại kế hoạch “đưa Hà Nội trở về thời kì đồ đá” của giặc Mỹ.
Bên cạnh đó, những bức ảnh nổi tiếng mà ngày nay xem lại chúng ta lại càng tự hào sự kiên định và sức chiến đấu quật cường của quân dân Hà Nội và cả nước trước âm mưu và sức mạnh hủy diệt của đế quốc.
Người nữ tự vệ Hà Nội (Ảnh tư liệu) |
Đó là hình ảnh người tự vệ nữ mất cả cha lẫn mẹ trong những trận bom của máy bay Mỹ. Nuốt căm hờn, chị quả cảm trở lại mâm pháo cùng đồng đội bắn rơi một máy bay F-111, ngày 22/12/1972 khiến bao người xúc động.
Thiếu nữ làng hoa Ngọc Hà (Ảnh tư liệu) |
Đó là bức ảnh làng hoa Ngọc Hà một sớm mùa Đông, năm 1972 thiếu nữ làng hoa Ngọc Hà tưới hoa bên xác chiếc B-52 rơi trên hồ Hữu Tiệp. Điều này thể hiện tinh thần bất khuất, yêu chuộng cái đẹp, yêu chuộng hòa bình, đất vẫn nở hoa, người vẫn vươn lên sau mất mát đau thương của người Hà Nội.
Một “niềm tin và hy vọng” sắt son
Bài hát đầu tiên viết về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết vào đêm 27/12/1972 ngay dưới hầm trú bom của Đài Tiếng nói Việt Nam, đúng thời điểm Hà Nội đỏ rực lửa chiến đấu cũng khiến người nghe cảm nhận được không khí khẩn trương, sôi sục lúc bấy giờ.
Trong ca khúc âm hưởng lúc rắn rỏi, khi lại hào hùng tha thiết: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời / Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi… Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này. Phất ngọn cờ sao chính nghĩa”…
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói rằng sự tự tin đến mãnh liệt vào chiến thắng của dân tộc từ trận đánh "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" chính là mạch nguồn cảm xúc khiến không lâu sau đó, ông viết nên bài ca chiến thắng "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" năm 1975.
Nhìn lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ và chiến thắng, chúng ta càng có thêm động lực, niềm tự hào, niềm tin và hy vọng trong "cuộc chiến" với COVID-19 (Ảnh tư liệu) |
Cũng ra đời trong 12 ngày đêm khói lửa ấy, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Nhân, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội. Ca khúc thể hiện niềm kiêu hãnh, ý chí bất khuất và tâm hồn lãng mạn của người Hà Nội. Điều thú vị, ca khúc được nhạc sĩ Phan Nhân viết rất nhanh, vào đúng những ngày Hà Nội gồng mình chiến đấu dũng cảm trong trận chiến “12 ngày đêm” chống lại đợt rải bom B-52 của Đế quốc Mỹ.
Khi còn sống, nhạc sĩ Phan Nhân từng rất nhiều lần kể lại thời điểm và cảm xúc khi viết ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”: “Tháng 12 năm ấy (1972), tôi đang có mặt ở Hà Nội. Trời rét căm căm. Trong tiếng bom nổ rung chuyển là tiếng hô vang của bà con ta: “Cháy rồi! Cháy rồi!”. Người dân Hà Nội khi ấy hả hê, sung sướng lắm. Họ quên cả nguy hiểm, nhô lên khỏi các hầm để hò reo đến khản giọng khi chứng kiến những chiếc pháo đài bay (B52) của giặc bốc cháy.
Tôi và người dân Hà Nội khi ấy trong lòng trào dâng một cảm giác vui sướng, lạc quan trước cuộc đương đầu oai hùng của lực lượng phòng không và không quân của ta. Ngay khi tiếng bom ngưng, máy bay địch rút chạy, thành phố trở lại bình yên, tôi ngồi vào đàn để tấu lên những nốt nhạc đầu tiên: “Ơi, Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông. Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rực rỡ...”.
Ca khúc này không chỉ ghi lại khoảnh khắc không quên ấy mà trở thành tình yêu, ý chí của người Hà Nội với mảnh đất anh hùng, bất khuất này. Vào những dịp quan trọng của Thủ đô và đất nước, ca khúc lại vang lên thể hiện tiếng lòng của người Hà Nội đầy thiết tha, tin yêu và tự hào, đưa chúng ta hướng về tương lai với “niềm tin và hy vọng” sắt son.
Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn như hiện nay, một “cuộc chiến” không tiếng súng mà Hà Nội, cả nước và toàn thế giới đang phải đối mặt, một lần nữa “niềm tin và hy vọng” ấy sẽ lại giúp chúng ta tiếp nối truyền thống cha ông, không đầu hàng trước bất cứ kẻ thù hùng mạnh, tinh vi nào.
Hà Nội đã, đang và sẽ chiến đấu linh hoạt, tài tình để cùng cả nước và thế giới đi đến thắng lợi cuối cùng. Vì thế, trong âm hưởng của chiến thắng Hà Nội “Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta một lần nữa ôn lại truyền thống, tự hào, cùng góp sức và thắp lên niềm tin mãnh liệt rằng ngày chiến thắng sẽ không còn xa nữa.
Nhìn lại chiến thắng vĩ đại của “Điện Biên Phủ trên không” |
Diễn biến 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội |
Tìm lại ký ức kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” |