Người dân cần thận trọng trước “rừng tin giả” về dịch Covid-19 trên mạng xã hội
Nhiều “anh hùng bàn phím” bị triệu tập vì lan truyền tin giả
Mới đây, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt một người dùng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện trang Facebook H.N.P đăng tải nội dung: “Hà Nội phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa”. Đây là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Tiến hành xác minh, cơ quan công an đã làm rõ chủ tài khoản là anh T.V.D (sinh năm 1982; ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tại cơ quan công an, anh D đã thừa nhận việc đăng tải thông tin không đúng và cam kết không đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với anh D.
Ngay trong ngày hôm nay (13/5), Công an tỉnh Quảng Bình cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hồ Thị Minh H. (SN 1983, trú tại tổ dân phố 6, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới) và ông Nguyễn Xuân N. (SN1984, trú tại thôn 9, Lộc Ninh, TP Đồng Hới) do đưa tin sai về dịch Covid-19 trên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 10/5, trên mạng xã hội tại Quảng Bình lan truyền thông tin về một phụ nữ trú ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới dương tính với SARS-CoV-2. Thông tin trên xuất hiện khiến người dân tại Đồng Hới nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung hết sức hoang mang, lo lắng.
Hai trường hợp đưa tin sai về dịch bệnh tại Quảng Bình bị xử phạt hành chính |
Trong khi đó, kết quả xét nghiệm ngày 8/5 của CDC Quảng Bình thì hai trường hợp ở xã Bảo Ninh có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và đang trong thời gian theo dõi, chờ xét nghiệm lần 2. Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình Nguyễn Đức Cường cũng khẳng định hiện trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng.
Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Quảng Bình khẩn trương xác minh, làm rõ bà H. và ông N. là người đã đăng tải thông tin trên lên nhóm zalo của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm hai lớp học ở TP Đồng Hới.
Làm việc với công an, bà H và ông N.thừa nhận hành vi sai phạm, khi tiếp nhận, chưa kiểm tra đã vội vàng đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận và bất an xã hội. Công an tỉnh Quảng Bình quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà H và ông N mỗi người 10 triệu đồng về hành vi đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trước đó, vào chiều 11/5, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệu tập đối tượng L.M.Q, 27 tuổi, trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk lên làm việc, xử lý về hành vi lên mạng xã hội facebook đăng bài viết sai sự thật về danh sách hàng chục người có tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Đắk Lắk, gây hoang mang dư luận.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đắk Lắk làm việc với L.M.Q |
Theo đó, khoảng 18 giờ ngày 8/5, Q vào mạng xã hội Facebook và thấy một bài viết với nội dung ở tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận một ca mắc Covid-19. Sau khi đọc xong bài viết trên, Q. liền vào bình luận với nội dung: Đã có danh sách tiếp xúc gần, ai ở chỗ nào thì ở yên chỗ đó, đừng có chạy lung tung. Sau đó, Q đăng danh sách hàng chục người có tiếp xúc với ca bệnh trên vào nội dung bình luận.
Sau khi đăng tải, danh sách này được cộng đồng mạng chia sẻ, lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Sau khi vào cuộc xác minh, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đắk Lắk xác định danh sách Q đăng tải hoàn toàn không đúng sự thật. Tại cơ quan Công an, sau khi được giải thích, Q đã nhận ra việc làm sai trái của mình. Đồng thời, gỡ bỏ bình luận trên và viết cam kết không tái phạm lần sau.
Hiện, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đắk Lắk đang củng cố hồ sơ, xử lý Q theo quy định pháp luật.
Người dùng nên tỉnh táo khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội
Liên quan đến việc lan truyền tin giả về dịch Covid-19 trên mạng xã hội, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: "Tình hình đăng tải, đưa thông tin xấu độc, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân diễn ra ngày càng phức tạp, với rất nhiều thủ đoạn. Đặc biệt, chúng tôi cũng phát hiện tấn công mã độc trong đó có đính kèm những tin tức giả mạo chỉ thị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19".
Tình hình đăng tải, đưa thông tin xấu độc, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân diễn ra ngày càng phức tạp, với rất nhiều thủ đoạn |
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử có nhiệm vụ phát hiện thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang tingia.gov.vn.
Chúng tôi rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất đồng bộ của các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, để thẩm định thông tin, công bố tin giả, lan tỏa sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch, bình yên cho mọi người".
Điều này cũng cho thấy phản ánh trực tuyến của người sử dụng trên trang tingia.gov.vn và đầu số 1800 8108 là nguồn thông tin đặc biệt quan trọng, giúp cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp nhận, thẩm định và công bố các tin sai sự thật. Như vậy, người dùng nên tỉnh táo khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và cần tìm hiểu cụ thể các văn bản pháp luật quy định về các chế tài xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc.
Đối với những trường hợp thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 mà cá nhân hay tổ chức đó đã đăng tải. Điều 156, Bộ Luật Hình sự đã quy định: "Bịa đặt hoặc lan truyền biết rõ là sai sự thật có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm".
Trường hợp, cá nhân hay tổ chức có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Điều 288, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.