Nghệ nhân Ngô Thị Tính - tâm huyết gìn giữ và phát triển tinh hoa bánh truyền thống Hà Nội
Nghệ nhân trẻ nặn tò he: Chỉ cần đam mê, ắt có tiền mua xe, mua nhà |
Nhà chế tác cặp bánh cưới “Bảo vật tinh hoa Làng nghề Việt Nam”
Chương trình “Tinh hoa Việt Nam” - vinh danh cặp bánh cưới cốm - phu thê “Bảo vật tinh hoa làng nghề Việt Nam” diễn ra tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm để lại dư âm vô cùng tốt đẹp với công chúng Thủ đô cũng như khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hà Nội vào dịp này.
Nghệ nhân Ngô Thị Tính bên cặp bánh kỷ lục |
Không chỉ được lần đầu tiên chứng kiến cặp bánh kỷ lục với đường kính 70cm, cao 25cm, nặng 130kg/chiếc, mọi người còn rất hào hứng chụp ảnh cùng, được nghe nghệ nhân Ngô Thị Tính chia sẻ về ý nghĩa, quy trình làm bánh.
Nghệ nhân Ngô Thị Tính giới thiệu với du khách về cặp bánh cốm - phu thê kỷ lục |
Điều đặc biệt nhất, ngay tại trung tâm Hà Nội, nơi cặp bánh cốm và bánh phu thê được coi như một trong những biểu tượng ẩm thực truyền thống của Thủ đô, gần 1000 người dân còn được nghệ nhân Ngô Thị Tính trực tiếp chia bánh và cùng thưởng thức hương vị độc đáo của tinh hoa bánh trái đất Thăng Long.
Nghệ nhân Ngô Thị Tính cắt bánh để công chúng được thưởng thức |
Theo cảm nhận của người dân, từng miếng bánh có độ ngọt vừa phải, mềm dẻo, có đủ nhân và vỏ, ngon như chiếc bánh nhỏ họ vẫn ăn trước đây. Cặp bánh này còn được vinh danh kỷ lục lớn nhất, mang nhiều giá trị nhất Việt Nam.
Hiệp hội làng nghề trao tặng danh hiệu "Bảo vật tinh hoa làng nghề" tới nghệ nhân Ngô Thị Tính - người chế tác cặp bánh cốm - phu thê kỷ lục trong đêm nghệ thuật "Tinh hoa Việt Nam" |
Ông Thang Văn Phúc (đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam) nhận xét: “Đây không đơn giản chỉ là một cặp bánh mà còn là kết tinh của những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và những tinh hoa làng nghề thủ công Việt Nam".
Với những thông tin đó, chúng tôi tìm đến nghệ nhân Ngô Thị Tính để được nghe bà trực tiếp kể về quá trình làm ra cặp bánh này. Không bắt đầu bằng việc kể về cặp bánh kỷ lục, nghệ nhân Ngô Thị Tính đưa chúng tôi về câu chuyện thời vua Hùng Vương, với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Cuộc chiến long trời lở đất tranh giành người đẹp của hai vị thần khiến dân chúng và muôn loài rơi vào cảnh lầm than. Thần núi Sơn Tinh đã thắng cuộc và đã cưới được nàng công chúa Mỵ Nương xinh đẹp.
Để làm cặp bánh kỷ lục, những nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng |
Sơn Tinh và Mỵ Nương, với tình yêu thương dành cho dân chúng đã không khỏi ái ngại vì mối lương duyên của mình mà để cho muôn dân phải chịu khổ. Hai người đã tình cờ tìm thấy được một giống lúa nếp non có hương thơm ngào ngạt tươi mát như dòng sữa mẹ sinh ra để dành cho con thơ. Ngài đã dạy cho dân cách chăn nuôi, trồng trọt, và cách chăm bẵm giống lúa mới này.
Chính vì vậy mà từ một vùng bị thiên tai tàn phá, nay người dân đã được ấm no, đất nước dần trở nên thịnh vượng. Để đáp lại tấm chân tình của đôi trai tài gái sắc, những người dân ở vùng này đã thu lượm những hạt thóc nếp non vẫn còn ngậm sữa thơm mát này về và làm ra một món bánh có mầu xanh non, dẻo thơm, tinh khiết được gọi là bánh cốm dâng lên họ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Từ đó mà bánh cốm đã trở thành vật phẩm tượng trưng cho tình yêu lứa đôi không thể thiếu trong lễ cưới hỏi truyền thống của Việt Nam.
Khâu làm bánh tỉ mỉ đến từng chi tiết |
Còn với bánh phu thê thì vào thời vua Lý Anh Tông ra trận giết giặc, bảo vệ bình yên cho đất nước, hiền thê của ông ở nhà đã làm một loại bánh chắt lọc, tinh tế nhất để gửi ra chiến trường. Vua ăn thấy ngon, lại thấy trong trẻo, mềm dẻo như tình cảm của người phụ nữ gắn kết hạnh phúc gia đình nên đặt là bánh phu thê.
Như vậy, chiếc bánh cốm đậm đà, điềm tĩnh như người chồng, còn chiếc bánh phu thê lại dẻo dai, đằm thắm như người vợ. Chả thế mà, người Hà Nội xưa nay luôn tinh tế trong từng nét ăn, đặc biệt là thứ quà bánh dùng vào dịp đặc biệt quan trọng như thế thì sự ngon, sự đẹp và ý nghĩa luôn được đặt lên hàng đầu.
Suốt những năm tháng thơ bé, sống trong không khí thấm đẫm hương vị bánh cổ truyền, nghệ nhân Ngô Thị Tính nắm vững trong tay mình các bí quyết gia truyền. Chính vì vậy, chiếc bánh cốm bà làm ra được Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao bằng vinh danh “Bảo vật tinh hoa làng nghề”.
Không dễ gì mà trong bao nhiêu thương hiệu bánh cốm ở Hà Nội, bánh cốm Bảo Minh lại được tôn vinh như vậy. Theo các chuyên gia, chiếc bánh của Bảo Minh hội tụ được đầy đủ các yếu tố sau đây: Thứ nhất, đó là loại bánh truyền thống với các nguyên liệu dân giã, gần gũi, lại được kết hợp với khoa học công nghệ hiện đại tạo ra một vật phẩm chất lượng hoàn hảo từ lòng đam mê, trí tuệ đầy sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi. Bên cạnh đó, bánh lại gắn với đám cưới truyền thống lâu đời của Hà Nội và Việt Nam, là một trong những đặc sản gắn với tinh hoa ẩm thực Hà Thành.
Xuất phát từ sự ghi nhận đó, nghệ nhân Ngô Thị Tính muốn làm một điều gì để lan tỏa thành tích này, đồng thời tôn vinh nghề truyền thống, tri ân những người đã phát hiện và ghi nhận sự nổi trội của sản phẩm và tri ân Tổ nghiệp, tri ân những người nghệ nhân, thợ giỏi đã cùng mình bao năm miệt mài trên hành trình gìn giữ và phát huy hương vị cổ truyền, tri ân với những người đã và đang thưởng thức thứ bánh đặc sản này. Đó là lý do cặp bánh cốm và phu thê kỷ lục ra đời.
Từ ý tưởng đến hiện thực hóa rất nhanh, các nghệ nhân thợ giỏi của Bảo Minh đã cùng bà Ngô Thị Tính bắt tay vào thực hiện cặp bánh này. Bánh được chia thành nhiều tầng để đảm bảo vừa có tính thẩm mỹ, vừa đạt được kỷ lục, mang giá trị văn hóa lại có tính thực tiễn. Nghĩa là, các nghệ nhân đã thiết kế những chiếc trụ và khuôn để đảm bảo tổng thể là một chiếc bánh to nhưng bên trong sẽ được chia nhiều tầng, ngon và đầy đủ nhân, vỏ như những chiếc bánh nhỏ.
Tiết mục thơ múa “Cốm - Phu Thê” tại chương trình nghệ thuật “Tinh hoa Việt Nam” |
Chiếc bánh đến với công chúng vừa mới mẻ, vừa tươi ngon, đảm bảo vệ sinh và là niềm tự hào, là tâm huyết đến mất ăn, mất ngủ của nghệ nhân Ngô Thị Tính.
Cặp bánh này khi hoàn thành được đặt trên hoa sen - Quốc hoa của Việt Nam và cả quần thể ấy lại được đặt trên đế chạm trổ hình rồng thời Lý. Điều đó cho thấy sự trân trọng, nâng niu và kỳ công của những người tạo ra cặp bánh này. Đây không chỉ là sản phẩm ẩm thực mà còn là sản phẩm văn hóa, mang nhiều giá trị của truyền thống gửi tới hiện tại và tương lai.
Nối dài hương vị bánh trái Hà Nội xưa
Trò chuyện về bánh cổ truyền, nghệ nhân Ngô Thị Tính có thể nói cả ngày, cả tháng mà không chán, không lặp. Bởi với bà, đó không phải là kinh doanh mà còn là sự đam mê, là danh dự, là trách nhiệm của người sinh ra trong cái nôi của bánh cổ truyền. Với Bảo Minh, không chỉ là bánh cốm, bánh phu thê, bánh chả… mà là 20 sản phẩm OCOP và là một nhãn hiệu bánh truyền thống Hà Nội duy nhất có mặt tại các hệ thống siêu thị, siêu thị tiện ích, các cửa hàng tại Hà Nội cũng như cả nước.
Bánh cốm và bánh phu thê đã trở thành biểu tượng của văn hóa cưới hỏi truyền thống |
Còn với nghệ nhân Ngô Thị Tính thì bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một truyền nhân của gia đình khi đưa các loại bánh truyền thống của Hà Nội đi khắp cả nước và xuất khẩu cả ra nước ngoài.
Thế rồi, thực tế đã chứng minh, chất lượng sản phẩm hơn mọi lời quảng cáo. Bánh chả, bánh cốm, bánh phu thê… của Bảo Minh mang cả hương vị Hà Nội xưa về với nhịp sống hiện đại. Người tiêu dùng tìm thấy điều mình cần trong chiếc bánh họ không chỉ đặt vào dịp cưới hỏi cho có theo lệ cổ truyền mà còn là chiếc bánh có thể ăn hàng ngày.
Những chiếc bánh kẹo thấm đẫm hương vị cổ truyền của Hà Nội |
Hơn 30 năm có mặt trên thị trường, trong đó có 20 năm “Nam tiến”, những chiếc bánh truyền thống xưa không cần phải dùng đường nhiều, đáp ứng xu hướng giảm ngọt của người hiện đại. Bên cạnh đó, với thị trường miền Nam, bánh cốm phủ dừa, bánh cốm nhân sầu riêng được người dân hết sức ưa chuộng. Niềm đam mê, cống hiến, trăn trở với nghề của nghệ nhân Ngô Thị Tính đã được đền đáp xứng đáng khi lan tỏa giá trị ẩm thực Hà Nội tới khắp cả nước và vượt ra khỏi biên giới, đến với các thị trường quốc tế.
Ước mơ đưa bánh cốm trở thành biểu tượng của văn hóa ẩm thực Việt Nam
Với riêng chiếc bánh cốm, một đặc sản, một thứ bánh mang phong vị của Thăng Long Hà Nội, gắn liền với tinh túy đất trời Thủ đô, bà Ngô Thị Tính đặc biệt tâm huyết. Đây không chỉ là sản phẩm chủ lực mà còn chứa đựng một ước mơ, một khát khao của người nghệ nhân này. Tại sao trên thế giới Nhật Bản nổi tiếng với bánh Mochi, Ý nổi tiếng với Tiramisu, Hàn Quốc với bánh gạo, Đức với Black Forest… mà không phải là Việt Nam với bánh cốm?
Nghệ nhân Ngô Thị Tính mơ ước khi nhắc tới Việt Nam là người ta nhắc tới bánh cốm |
Cặp bánh cốm - phu thê tinh hoa của văn minh lúa nước với nguyên liệu đều từ đồng ruộng mà ra, lại gắn với văn hóa cưới hỏi, xuất xứ từ truyền thuyết núi Tản Viên, là đặc sản của Hà Nội, nói đến bánh trái Hà Nội là nói đến bánh cốm. Trong khi đó, văn hóa Hà Nội đặc trưng cho văn hóa Việt Nam, là nơi bạn bè quốc tế đến tìm hiểu và cảm thụ những gì cốt lõi nhất. Ước mơ đưa bánh cốm trở thành thương hiệu bánh Quốc gia, nhắc đến bánh cốm là người ta nghĩ đến Việt Nam cũng chính là cách để lan tỏa sản phẩm của Việt Nam, văn hóa ẩm thực, văn hóa Việt Nam đến với sâu rộng bạn bè quốc tế.
Chiếc bánh được làm từ nguyên liệu của nền văn minh lúa nước, mang đặc trưng của ẩm thực Hà Nội |
Muốn được như vậy thì trước hết người Việt Nam phải thấm nhuần được giá trị của chiếc bánh. Cùng với việc đưa bánh cốm - phu thê và các loại bánh khác vào các cửa hàng tiện lợi, siêu thị để làm thực phẩm hàng ngày, nghệ nhân Ngô Thị Tính tiết lộ đến năm 2024 bà sẽ mở chuỗi cửa hàng bánh truyền thống cao cấp. Có nghĩa là, vẫn những dòng sản phẩm bánh cổ truyền này của Hà Nội nhưng sẽ được nâng cấp giá trị lên, khác biệt hơn, với bao bì mẫu mã hiện đại, đẹp mắt hơn, ngon hơn, sang trọng hơn và đi kèm nhiều giá trị khác nữa.
Những chiếc bánh sẽ được làm hiện đại, sang trọng hơn nữa để nâng tầm giá trị bánh cổ truyền Hà Nội |
Mong rằng, những tâm huyết, ước mơ cháy bỏng của bà sẽ sớm thành hiện thực. Bởi lẽ, trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp văn hóa của mình, Hà Nội rất cần những sản phẩm vừa là quà lưu niệm, vừa là đặc sản đặc trưng vùng miền và thương hiệu quốc gia, đồng thời rất cần những địa điểm bán hàng thu hút khách du lịch, giới thiệu sản phẩm văn hóa, tăng nguồn thu, đóng góp lớn cho ngành kinh tế như vậy.