Kỳ 3: Muốn “đi nhanh” cần những cái “bắt tay” chặt chẽ
Kỳ 2: Xây dựng Nông thôn mới cần bảo tồn “nông thôn cũ” Kỳ 1: Nông thôn miền núi đổi thay nhờ phát triển du lịch cộng đồng |
Cơ cấu lại và đảm bảo tính chuyên nghiệp, phát triển bền vững
Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu trong lành, mát mẻ và sở hữu nhiều cảnh đẹp như: Thác Cầu Mây, thác Tác Tình, thác Trái Tim, động Tiên Sơn, đèo Hoàng Liên Sơn… cùng với nhiều điểm du lịch văn hóa nổi bật như: Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải... Mặt khác, Lai Châu nằm tiếp giáp với địa danh du lịch nổi tiếng Sa Pa, tạo nên tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Du lịch Lai Châu đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, từng bước trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng của tỉnh. Thông qua phát triển du lịch, một số công trình hạ tầng, thiết chế, di tích văn hóa, lịch sử được quan tâm đầu tư xây dựng và tôn tạo.
Một số làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển; Hình thành một số khu, điểm du lịch thu hút sự quan tâm của du khách, tạo điểm nhấn quan trọng để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Từ đó, ngành Du lịch tỉnh góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, đưa kinh tế - xã hội phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Lai Châu hiện nay vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; Thiếu sự đầu tư trọng điểm nên chưa có nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn du khách. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ hạn chế, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; Sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương trong quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ.
Nguyên nhân có thể kể đến do nhận thức phát triển du lịch của người dân chưa toàn diện nên khó phát huy được các thành phần kinh tế phát triển du lịch; chưa quan tâm đúng mức đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch; Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; Chưa quan tâm đúng mức tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch thiếu tính chuyên nghiệp…
Cảnh sắc mây trời, con suối trong veo của Lai Châu hấp dẫn du khách |
Nói về những điểm yếu này, Chủ tịch UBND xã Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu) chia sẻ: “Hiện lượt du khách lưu trú tại Bản Hon rất ít, đây cũng là tình trạng của nhiều bản làng trong huyện Tam Đường. Bởi du khách chỉ ghé thăm Bản Hon để tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, các phong tục độc đáo của dân tộc Lự sau đó sẽ trở lại trung tâm huyện để tìm các nhà nghỉ sạch sẽ và tiện nghi, thuận tiện trong sinh hoạt hơn.
Bản Hon bước đầu mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống của du khách ở mức giản đơn. Du khách phải đặt trước một ngày để người dân chuẩn bị. Hạ tầng và cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ hoặc đã được đầu tư nhưng không bảo đảm chất lượng phục vụ…”.
Chủ tịch UBND xã Bản Hon Nguyễn Văn Tưởng cho biết thêm, huyện Tam Đường cũng đã xây dựng đề án và tập trung kêu gọi nhà đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, đã có một doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển khu du lịch rộng 150ha tại bản Thẳm (xã Bản Hon). Ngoài ra, Tập đoàn Sun Group cũng đã thỏa thuận về việc đầu tư khai thác tại thác Tác Tình ở thị trấn Tam Đường… Để khuyến khích sự tham gia của các hộ dân trên địa bàn, xã Bản Hon đã ban hành nghị quyết riêng về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc Lự.
Để xác định mục tiêu du lịch là kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lai Châu cần phải cơ cấu lại ngành du lịch hướng tới đảm bảo tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường, thực hiện kịp thời, hiệu quả đề án phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020.
Du khách thích thú khi được trải nghiệm sinh hoạt cùng đồng bào dân tộc |
Sau gần 3 năm triển khai Đề án 316 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020”, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ lực “du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lai Châu đã triển khai đề án “Xây dựng bản Nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025”, đầu tư 40 tỷ đồng cho 11 bản với 5 nhóm giải pháp thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu cùng khả năng khách trở lại. Đồng thời, tỉnh có những giải pháp cụ thể hỗ trợ cho từng bản. Trong đó, bản Vàng Pheo, xã Mường So được hỗ trợ 1,48 tỷ đồng để sửa chữa nhà vệ sinh, phát triển cây ăn quả diện tích 7ha; Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ được đầu tư 1,65 tỷ đồng thực hiện các hạng mục như hỗ trợ phát triển nhân rộng cây địa lan làm sản phẩm OCOP, phát triển 6ha cây ăn quả…
Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết, những năm qua, tỉnh đã đầu tư ngân sách hỗ trợ địa phương, người dân và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch để tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.
Hằng năm, tỉnh Lai Châu đã triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn thông qua các sự kiện, hội chợ du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng bước đầu tham gia các hội chợ du lịch quốc tế thường niên, xây dựng chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực, các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và các tỉnh Bắc Lào (U Đôm Xay, Luông Pha Băng, Phông Sa Lỳ), châu Hồng Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)... Vì vậy, lượng khách đến tỉnh ngày càng nhiều và có tốc độ tăng trưởng ổn định.
Lai Châu cũng đã hình thành một số sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm như: Sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh (di tích quốc gia Pusamcap; Bản văn hóa dân tộc Mông gắn với hệ thống hang động Gia Khâu 1; Động Tiên Sơn, thác Tác Tình, đỉnh Putaleng, đỉnh Tả Liên Sơn; Bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, bản Sì Thâu Chải, bản Nà Khương, bản Hon...); Các lễ hội truyền thống (Then Kin Pang, Kin Lẩu Khẩu Mẩu, Nàng Han của dân tộc Thái; Tú Tỉ của dân tộc Giáy; Bun Vốc Nậm của dân tộc Lào; Gầu Tào Cha của dân tộc Mông; Tủ Cải của dân tộc Dao); Quần thể đền thờ vua Lê Thái Tổ và bảo vật quốc gia gắn với lễ hội đua thuyền đuôi én, du lịch lòng hồ thủy điện; Sản phẩm chợ phiên vùng cao...
Các điểm đến cũng đã được đầu tư xây dựng trạm dừng chân trên tuyến, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch, biển báo, biển chỉ đường, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ du khách cho các điểm du lịch, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng được chú trọng...
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho du khách cũng được tỉnh Lai Châu chú trọng |
Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu hiện chưa có sản phẩm du lịch chất lượng cao và tính cạnh tranh nổi trội tại khu vực; Các lễ hội truyền thống chưa thực sự trở thành sản phẩm du lịch văn hóa có sức hút đối với du khách.
Thời gian khách du lịch lưu trú tại Lai Châu còn ngắn do thiếu các dịch vụ bổ trợ cho du lịch như: Khu vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm, giao lưu văn hóa - nghệ thuật... Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu chuyên nghiệp; Thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có trình độ ngoại ngữ.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thiếu chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao; Các hoạt động giao lưu, hợp tác với các đối tác nước ngoài còn thiếu chủ động do đó hình ảnh du lịch Lai Châu chưa đến được nhiều thị trường quốc tế, nhất là những thị trường tiềm năng và có sức chi tiêu lớn. Tính liên kết của du lịch Lai Châu với các địa phương, các trung tâm du lịch lớn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Những đặc sản địa phương được bán tại chợ San Thàng (Lai Châu) |
Trong những năm tới, Lai Châu đã xác định mục tiêu cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, huy động tối đa nguồn lực của Nhân dân tham gia vào đầu tư phát triển du lịch địa phương; Thực hiện lồng ghép nhiều chương trình dự án, đề án để tăng cường nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình.
Đồng thời, tỉnh tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, thành lập các quầy thông tin du lịch miễn phí để cung cấp thông tin cần thiết cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với Lai Châu như: Bản đồ du lịch, brochure, thông tin về khách sạn, công ty lữ hành, điểm đến...
Nằm trong trục giao thông thuận lợi, Lai Châu cần triển khai thực hiện nhiều chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên) và khai thác hiệu quả tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc; Xây dựng, phối hợp với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà.
Liên kết phát triển du lịch hai tỉnh Lào Cai - Lai Châu (đưa vào khai thác hiệu quả tuyến du lịch xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát; Xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ); Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa huyện Tam Đường với huyện Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai).
Tỉnh cũng mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam như: Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...; Phối hợp với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang thảo luận nội dung ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Kết nối tour du lịch từ các tỉnh Tây Bắc (Việt Nam) sang khu vực Bắc Lào và ngược lại.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương |