Kỳ 2: Xây dựng Nông thôn mới cần bảo tồn “nông thôn cũ”
Lạc vào “thung lũng mỹ nhân”
Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 30km, đường sá giao thông thuận lợi, bản Vàng Pheo thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ được biết đến với tên gọi “thung lũng mỹ nhân”.
Nơi đây được coi như một thủ phủ người đẹp của Mường So, nơi gắn liền với truyền thuyết về người thiếu nữ dân tộc Thái có tên là nàng Han. Câu chuyện về nàng Han được đồng bào người Thái kể mãi từ đời này sang đời khác. Bản Vàng Pheo chính là nơi nàng được sinh ra, lớn lên cùng với các trò chơi và công việc nương rẫy hằng ngày.
Du khách mặc trang phục dân tộc Thái chụp ảnh bên bờ suối bản Vàng Pheo |
Không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên mà Vàng Pheo còn mang nhiều nét văn hóa đặc sắc với ngôi nhà cổ nằm nép mình bên những ruộng lúa xanh trong không gian thanh bình, yên tĩnh.
Du khách đến Vàng Pheo để thăm quan nhiều ngôi nhà sàn cổ, thưởng thức những bữa ăn giản dị, món ăn truyền thống và mang đậm bản sắc riêng như: Cá bống vùi tro, cá suối nướng, măng đắng, măng ngọt, thịt trâu sấy, thịt lợn hấp, canh rau đắng và uống rượu bên bếp lửa bập bùng ấm áp.
Vàng Pheo cũng có nhiều lễ hội truyền thống, lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Du khách được hòa mình trong điệu múa, lời ca của đồng bào mà “say tình”, ngây ngất với sắc màu vùng cao.
Với nét văn hóa đặc trưng của người Thái trắng cùng với những giá trị truyền thống được bảo tồn, lưu giữ, Vàng Pheo được công nhận là bản văn hóa du lịch cấp tỉnh từ năm 2007. Cùng với nét đẹp về cảnh quan, sự chân tình, mến khách của người dân, bản Vàng Pheo luôn là điểm thu hút đông du khách vào những ngày nghỉ cuối tuần, dịp Tết, lễ hội.
Đến đây du khách có thể tham quan, nghỉ đêm tại nhà sàn của người Thái trắng, thưởng thức nét ẩm thực độc đáo và cùng trải nghiệm cuộc sống của người dân. Những du khách thích khám phá có thể đi tắm suối, tham quan hang động, thu vào ống kính những hình ảnh về một bản làng đặc trưng ở vùng đất Tây Bắc.
Xác định mục tiêu xây dựng Nông thôn mới gắn với du lịch, xã Mường So đã cải tạo, xây dựng sửa chữa lại đền thờ Nàng Han, phát triển lễ hội nàng Han. Phó Chủ tịch UBND xã Mường So Bùi Quang Lịch cho biết, đền thờ Nàng Han đã được UBND tỉnh Lai Châu xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2013, ngôi đền được chính quyền địa phương đầu tư tôn tạo các hạng mục nhà thờ chính, kè giếng nước và khuôn viên cảnh quan xung quanh.
Đồng chí Bùi Quang Lịch chia sẻ: “Thực hiện Đề án số 30/ĐA-UBND của UBND tỉnh Lai Châu về xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025, vừa qua, đền thờ Nàng Han đã được đầu tư hơn 4 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, để nâng cấp tổng thể. Điều này không chỉ đáp ứng mong mỏi của đồng bào dân tộc Thái trắng nơi đây, mà còn góp phần phát triển hệ sinh thái du lịch cộng đồng bên dòng Nậm Lung…”.
Xã Mường So cải tạo, xây dựng sửa chữa lại đền thờ Nàng Han |
Về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở xã Mường So, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung cho biết, đây là địa phương vùng biên nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, xã Mường So đã về đích Nông thôn mới. Giao thông được kiên cố hóa giúp việc đi lại thuận lợi. Cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đã thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực…
Xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, Lai Châu đã và đang xác định quan tâm, đầu tư phát triển mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu. Đặc biệt, tỉnh quan tâm đầu tư, tu bổ di tích đền thờ Nàng Han trở thành một điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá vùng Tây Bắc, qua đó tạo tiền đề phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương huyện Phong Thổ.
Nỗi lo “bê tông hóa” đánh mất bản sắc đặc trưng
Với sự đồng lòng hiệp lực của người dân trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện Phong Thổ còn đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho bản văn hóa Vàng Pheo. Con đường dẫn vào trung tâm bản được Nhà nước đầu tư xi-măng, bà con hiến đất, cát, sỏi, công lao động làm đường.
Bây giờ, xe ô tô có thể đến tận trung tâm bản. Để giúp đồng bào gìn giữ ngôi nhà sàn truyền thống, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện đã thống kê và chọn được 23 ngôi nhà sàn tốt nhất, hỗ trợ đầu tư mỗi nhà từ 1 - 5 triệu đồng. Những gia đình được hỗ trợ đã cải tạo nhà ở, làm nhà vệ sinh riêng biệt để phục vụ việc ăn nghỉ và tham quan của du khách…
Đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới, Vàng Pheo có điều kiện quy hoạch, chỉnh trang nhà cửa ngay hàng thẳng lối, các tuyến đường đã được bê tông hóa càng tôn thêm vẻ trù phú của một bản làng vùng cao.
Những căn nhà mới dần thay thế cho những nếp nhà gỗ cổ ở Vàng Pheo |
Cả bản chỉ còn lại vài căn nhà sàn cũ nhưng hầu hết cũng được sửa lại theo kiểu dáng mới, còn lại phần đa là những căn nhà sàn mới hiện đại, thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Những chiếc cầu thang gỗ giờ đây được thay bằng cầu thang bê tông.
Khan hiếm vật liệu tự nhiên, không còn cách nào khác, đồng bào chấp nhận bê tông hóa nhà cổ truyền thống một cách bất đắc dĩ. Những căn nhà sàn “kiểu mới” vì thế mà mất đi “hồn cốt” truyền thống. Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa, tình trạng nhà cải tiến dạng bê tông hóa ngày càng tăng. Những ngôi nhà gỗ mang kiểu dáng kiến trúc cổ đang vắng bóng dần.
Nhiều người dân đã dỡ nếp nhà cũ để xây dựng nhưng ngôi nhà sàn mới rộng rãi và khang trang. Họ tâm sự, ngôi nhà cũ đã xiêu vẹo nên gia đình quyết định sửa chữa, cải tiến ngôi nhà cũ thay thế bậc cầu thang bằng bê tông, mái lợp prô xi măng. Cả làng, cả xã làm nông thôn mới thì… nhà cũng phải mới.
Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Mường So Bùi Công Lịch chia sẻ: Do không thu hút được nhiều khách du lịch lại ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân Vàng Pheo nhận thấy làm du lịch mang lại thu nhập không bằng làm việc tại các công ty doanh nghiệp. Một mô hình homestay tại Vàng Pheo phải đầu tư tiền tỷ đồng mà doanh thu chưa được nhiều. Người dân chưa mặn mà với du lịch homestay nên nhiều nếp nhà cổ bằng gỗ đã được thay thế bằng các căn nhà mới "bê tông hoá".
Những căn nhà mới dần thay thế cho những căn nhà cổ bằng gỗ |
Đây là thực trạng không chỉ riêng ở bản Vàng Pheo mà nhiều bản làng ở Lai Châu. Các nếp nhà sàn cổ cũng đang dần bị bê tông hóa. Rõ ràng, việc xây dựng Nông thôn mới tại các bản làng vùng cao Lai Châu vẫn còn chú trọng đến yếu tố giữ gìn được “hồn cốt” của văn hóa, cảnh quan đặc trưng của mỗi vùng miền. Do đó, bên cạnh việc phát huy tính chủ động của các địa phương, Chính phủ cũng có những điều chỉnh quan trọng để định hướng phát triển Nông thôn mới phù hợp với từng địa phương.
Ngày 17/10/2016, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 quy định tiêu chí giao thông: “Đường trục thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp ít nhất được cứng hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm” chứ không phải bê tông hóa.
Bởi nếu bản làng nào cũng bị bê tông hóa sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc vùng cao, những con đường sỏi, đường đá biến mất làm cho cảnh sắc thiên nhiên đơn điệu, mất đi sự hấp dẫn.
Khi làm du lịch cộng đồng nếu thiếu hiểu biết, người dân có thể vì lợi nhuận mà dễ đánh mất bản sắc văn hóa. Vì thế, để khắc phục, cần có sự quan tâm đúng mực của các cấp chính quyền, có lộ trình nâng cao nhận thức tới người dân, mới đảm bảo tính bền vững của các mô hình du lịch cộng đồng.
Bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, các cơ quan chức năng còn phải đi sâu vào nghiên cứu đặc trưng văn hóa vùng miền, tìm ra sự kết nối hòa hợp giữa người dân, doanh nghiệp du lịch và chính quyền các cấp.
(Còn nữa)
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương |