Nỗ lực phát triển nhà ở xã hội từ doanh nghiệp
Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội Nhà ở xã hội sẽ đột phá từ chính sách mới? |
Áp dụng nhiều giải pháp
Trong buổi toạ đàm “Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới” do Báo Người Lao động tổ chức ngày 21/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã thông tin đến các chuyên gia, Sở ngành về các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại thành phố trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, để thực hiện mục tiêu xây dựng từ 69.700 đến 93.000 căn nhà ở xã hội trước năm 2030, TP đã đưa ra một loạt giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ.
Về quy hoạch, TP Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thiện tờ trình để Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Dự kiến, các thủ tục liên quan sẽ được hoàn tất trong tháng 11. TP Hồ Chí Minh sẽ cụ thể hóa quy hoạch phân khu, xác định rõ các vị trí dành cho nhà ở xã hội, từ đó ưu tiên phát triển các khu vực mới hoặc tái sử dụng các vị trí cũ, đảm bảo pháp lý trong quá trình xây dựng.
Về đầu tư, TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác đặc biệt do các Sở ngành, quận, huyện tham gia, có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và lấy ý kiến liên ngành.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường trao đổi trực tuyến tại toạ đàm (Ảnh: Hoàng Triều) |
Về đất đai, các dự án nhà ở được miễn tiền sử dụng đất, nhưng vẫn cần đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục giao đất và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để triển khai dự án.
Về tài chính, TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt khoảng 3.700 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư vào nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư từ trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong xây dựng nhằm giảm giá thành.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, TP đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, bao gồm gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng để giúp người mua nhà tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn; đồng thời, Quỹ Phát triển nhà ở xã hội cũng được kiện toàn để trở thành nguồn vốn chủ lực trong đầu tư và hỗ trợ lãi suất.
TP Hồ Chí Minh có nhiều chính sách hỗ trợ người mua nhà ở xã hội |
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với Liên đoàn Lao động TP để đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các mô hình nhà ở cho thuê và thuê mua, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của công nhân và người lao động.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ và các giải pháp đồng bộ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, đạt được các mục tiêu đề ra, qua đó cải thiện vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân trên địa bàn thành phố.
Nỗ lực thực hiện 1 triệu nhà ở xã hội gặp khó
Trong công cuộc phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HEPZA) cho rằng, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội. Bằng cách phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, TP Hồ Chí Minh mới có thể đảm bảo rằng nhà ở xã hội thực sự trở thành giải pháp hiệu quả cho người lao động, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn và góp phần ổn định xã hội.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Trần Quốc Dũng cho biết, việc đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, phần lớn doanh nghiệp đều nhận thức rõ sứ mệnh vì cộng đồng, từ đó mạnh dạn tham gia đầu tư.
Theo ông Dũng, các chủ đầu tư đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với nhiều bên tham gia xây dựng dự án nhằm giảm chi phí, bao gồm cả việc hợp tác với các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đầu vào để hạ giá thành.
Thông qua việc kiểm soát chi phí hợp lý, chủ đầu tư cam kết mang đến những căn hộ chất lượng cao đến tay khách hàng. Tuy nhiên, dù chính sách và cơ chế tín dụng đã có những cải thiện đáng kể, việc triển khai trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được kỳ vọng.
“Số lượng quỹ căn hộ dành cho người thu nhập thấp đưa ra thị trường vẫn chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình xét duyệt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ đầu tư trong việc tiếp cận quỹ đất.
Đối với các nhà đầu tư đã có quỹ đất và mong muốn triển khai dự án nhà ở xã hội, nếu đất này chưa phù hợp với quy hoạch, chúng tôi mong cơ quan chức năng nhanh chóng phản hồi. Trong trường hợp cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng tôi sẵn sàng thực hiện, với hy vọng quá trình này được tiến hành sớm và đồng bộ, giúp giải quyết nhanh các vấn đề liên quan đến quy hoạch cũng như phê duyệt chủ trương đầu tư”, ông Trần Quốc Dũng nói.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Trần Quốc Dũng (Ảnh: Hoàng Triều) |
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đánh giá, kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030 đến nay còn quá thấp, trên cả nước chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch, trong khi tại TP Hồ Chí Minh con số này thậm chí chỉ đạt 2,39%.
Ông Châu cho hay, năm ngoái, TP Hồ Chí Minh đã bàn giao 2 dự án nhà ở xã hội, và hiện tại đang triển khai 8 dự án khác, nếu thủ tục được giải quyết suôn sẻ, có thể sẽ bổ sung thêm 1 dự án nữa. Tuy nhiên, ông Châu nhấn mạnh với tiến độ này, số lượng vẫn là quá ít so với nhu cầu thực tế.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (Ảnh: Hoàng Triều) |
3 vấn đề cản trở nhà đầu tư
Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hoàng Quân Group, việc bổ sung đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và bỏ điều kiện cư trú là một chính sách tuyệt vời, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công nhân và người có thu nhập thấp.
Chính sách này không chỉ mang lại cơ hội thuê nhà ở xã hội tại bất kỳ tỉnh, thành nào mà còn tạo thêm nguồn cầu quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Ông Trương Anh Tuấn kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ hồi tố, chẳng hạn như giữ mức lãi suất ưu đãi 4,8% cho vay đối với người mua nhà ở xã hội, tương tự như trước đây. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng tài chính khi tham gia vào chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Trong bối cảnh quỹ đất của TP Hồ Chí Minh hạn chế, ông Tuấn băn khoăn liệu cần có cơ chế đặc thù cho các chủ đầu tư đã sở hữu quỹ đất sạch? Nếu giá đất đã được tính thuế, có cần đưa phần chi phí này vào giá thành căn hộ để đảm bảo giá hợp lý cho người lao động?
Lý giải vấn đề này, ông Tuấn đưa ví dụ, đối với các dự án nhà cao tầng từ 18 - 25 tầng, chi phí bổ sung khoảng 2 - 3 triệu đồng/m² vào giá thành vẫn giúp doanh nghiệp duy trì lợi nhuận định mức 10%, trong khi giá căn hộ không vượt quá 30 triệu đồng/m².
Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, có 3 vấn đề lớn đang cản trở nhà đầu tư nhà ở xã hội, đầu tiên là lợi nhuận giới hạn ở mức 10% là quá thấp khi thủ tục kéo dài đến 5 năm, giai đoạn đầu tư mất thêm 2 năm. Tính bình quân, trong 7 năm, mỗi năm chỉ đạt khoảng 1,3 - 1,5% lợi nhuận, không đủ để doanh nghiệp tái đầu tư.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành (Ảnh: Hoàng Triều) |
Tiếp đến, thủ tục xin làm nhà ở xã hội còn phức tạp hơn so với nhà ở thương mại, và cuối cùng là khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra và kiểm tra khiến doanh nghiệp gặp nhiều áp lực.
“Những chính sách ưu đãi hiện tại chủ yếu mang lại lợi ích cho người dân, trong khi các doanh nghiệp phải chịu hết gánh nặng. Vì vậy, cần điều chỉnh chính sách để thu hút nhà đầu tư”, ông Lê Hữu Nghĩa nói...