Mánh khóe lừa đảo qua game online: Người chơi dễ trở thành nạn nhân
Giới trẻ mê game online: Điên đảo trong thế giới ảo Người chơi game online mất nửa tỷ đồng vì tin "sẽ thắng 100%" Đà Nẵng: Tiệm game online lén lút hoạt động bất chấp lệnh cấm |
“Bẫy” thông tin khắp nơi
Với sự phát triển nhanh chóng của các trò chơi trực tuyến (game online), việc người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng… là điều không thể tránh khỏi.
Thậm chí, một số trò chơi yêu cầu người chơi đăng ký tài khoản bằng các thông tin chi tiết hơn như số CMND/CCCD, số thẻ tín dụng hay các tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải tất cả các game này đều có hệ thống bảo mật chặt chẽ và nhiều thông tin của người chơi có thể bị rò rỉ ra ngoài.
Thực tế, có rất nhiều trường hợp người chơi game online ở Việt Nam bị mất thông tin cá nhân hoặc bị tấn công mạng sau khi tham gia các trò chơi này. Một trong những lý do chính khiến thông tin bị lộ là do việc bảo mật của các nền tảng game không được đảm bảo tốt.
Ảnh minh họa |
Các hacker, tin tặc có thể lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống game để chiếm đoạt thông tin của người chơi, sau đó thực hiện các hành vi lừa đảo, xâm phạm tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng các thông tin cá nhân để thực hiện hành vi phạm pháp khác.
Lộ thông tin qua game online có thể diễn ra qua nhiều hình thức khác nhau. Một trong những phương thức phổ biến nhất là việc sử dụng các trò chơi có các cổng thanh toán trực tuyến không an toàn. Khi người chơi thực hiện các giao dịch mua vật phẩm trong game thông qua thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng, thông tin của họ có thể bị lộ nếu hệ thống thanh toán không được mã hóa hoặc bảo mật.
Ngoài ra, một số trò chơi điện tử yêu cầu người chơi kết nối với các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, Google để đăng nhập. Một hình thức khác là việc các game sử dụng hệ thống chat hoặc trò chuyện trực tuyến, nơi người chơi có thể bị tấn công bằng các phần mềm độc hại, virus, hoặc các liên kết lừa đảo.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena cho biết: “Khi con trẻ tham gia trang mạng xã hội hoặc các trò chơi game rất dễ đánh mất thông tin quan trọng. Bố, mẹ không chơi game nhưng con cái sử dụng máy của họ để chơi game thì tội phạm công nghệ sẽ tấn công chiếm đoạt dữ liệu, trong đó có cả tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân... Thậm chí, con sử dụng thiết bị riêng nhưng cùng hệ thống mạng, qua đó, tội phạm có thể làm bàn đạp để xâm nhập”.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp game online cũng kéo theo những vấn đề nghiêm trọng về an ninh mạng, đặc biệt là bạo lực và quảng bá nội dung không lành mạnh.
Nhiều hình ảnh quảng cáo cờ bạc trái phép được đăng tải trong các trò chơi điện tử |
Việc tiếp xúc với những trò chơi có nội dung bạo lực có thể làm tăng khả năng thực hiện hành vi bạo lực ngoài đời thực, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài ra, việc tiếp xúc quá nhiều với bạo lực trong game có thể khiến người chơi trở nên vô cảm, thản nhiên văng tục.
Không chỉ vậy, nhiều game còn quảng bá các nội dung không lành mạnh như cờ bạc trái phép, phân biệt chủng tộc, hoặc nội dung khiêu dâm. Những nội dung này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý và đạo đức của người chơi, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên.
Hiểm họa khôn lường
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng internet và các thiết bị điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên.
Đặc biệt, khi trẻ em chơi game mà không có sự giám sát chặt chẽ từ cha mẹ, những thông tin như tên, tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ nhà có thể bị thu thập và sử dụng vào mục đích xấu. Hơn nữa, các trò chơi không rõ nguồn gốc hoặc giả mạo có thể yêu cầu người chơi tải phần mềm độc hại, đánh cắp dữ liệu từ thiết bị.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các "tin tặc" thường nhắm đến đối tượng này, những người còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức về an toàn thông tin mạng. Việc thiếu nhận thức về các mối nguy hiểm trực tuyến đã khiến trẻ em và thanh thiếu niên trở thành mục tiêu dễ dàng của các hành vi lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân, hoặc các cuộc tấn công mạng.
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết: “Khó có thể lấy lại tài sản khi đã bị lừa trên không gian mạng, bởi sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp, ngay lập tức số tiền này được chia nhỏ và chuyển tiếp cho nhiều tài khoản khác. Cuối cùng, tiền sẽ được chuyển đến một hoặc nhiều tài khoản ở các sàn giao dịch ngoại tệ ngoài nước. Nếu có đơn vị nào đó hứa hẹn lấy lại tiền bị lừa thì chắc chắn là thông tin lừa đảo”.
Nhiều hệ lụy khi con trẻ làm lộ thông tin khi chơi game online. Ảnh minh họa |
Để giảm thiểu các rủi ro này, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục và nâng cao kỹ năng an toàn thông tin mạng cho giới trẻ. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và hướng dẫn trẻ em sử dụng internet một cách an toàn, đồng thời truyền đạt các quy tắc bảo mật cơ bản như không chia sẻ thông tin cá nhân với người lạ trên mạng. Nhà trường có thể tổ chức các buổi học, lớp đào tạo về an toàn thông tin mạng, giúp học sinh nhận thức được các mối nguy hiểm và cách phòng tránh, từ việc bảo vệ mật khẩu đến nhận diện các trang web giả mạo.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng và tổ chức quần chúng cũng cần tích cực tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, cung cấp tài liệu hướng dẫn về cách bảo vệ thông tin cá nhân, nhận diện các hình thức lừa đảo qua mạng. Cùng với sự phối hợp của cộng đồng, chúng ta có thể tạo ra một thế hệ trẻ vững vàng và an toàn trong môi trường số.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không truy cập vào các trang web với đường dẫn lạ, không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác thực tính chính thống của trang web.
Người dùng cần cẩn trọng khi thấy những quảng cáo với các ưu đãi bất thường đến từ những nhà phân phối không rõ danh tính, không có bất kỳ mối liên kết nào với nhà phát hành của trò chơi. Khi bắt gặp hành vi lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay cho nhà phát triển trò chơi hoặc các cơ quan an ninh mạng có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.