Khơi dậy lòng yêu nước của tuổi trẻ qua các câu chuyện lịch sử
Nét đẹp văn hoá, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Nhân lên niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Xây dựng thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước, tự lực, tự cường |
Tiết mục giao lưu văn nghệ do Hội Cựu Chiến binh thành phố phối hợp cùng Thành đoàn Đà Nẵng thực hiện (Ảnh Đ.Minh) |
Ngày 19/12, Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức chương trình “Giao lưu với các nhân chứng lịch sử”. Chương trình với chủ đề “Tiếp bước truyền thống cha anh, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Phát biểu tại chương trình, anh Lê Công Hùng, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng khẳng định, chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập, với vô vàn cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Để có thể kế thừa và phát huy truyền thống cha anh, mỗi thanh niên cần xây dựng cho mình lý tưởng cao đẹp, lập kế hoạch rõ ràng cho hành trình lập thân, lập nghiệp.
Anh Lê Công Hùng, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng phát biểu tại chương trình (Ảnh Đ.Minh) |
“Đồng thời, chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, và ý chí không lùi bước trước khó khăn. Nhân dịp này, tôi mong rằng, qua những câu chuyện chân thực và xúc động từ các nhân chứng lịch sử, các bạn thanh niên sẽ thêm hiểu, thêm yêu quê hương, và thêm vững tin trên con đường mình đã chọn”, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng nói.
Tại chương trình, các bạn đoàn viên thanh niên được xem phim phóng sự về truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, tái hiện hình ảnh hào hùng của các thế hệ đi trước, giúp các bạn trẻ hiểu sâu sắc hơn về giá trị của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Cũng tại chương trình, các bạn đoàn viên, thanh niên được lắng nghe chia sẻ chân thật từ các nhân chứng lịch sử, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Lê Thị Tám và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Ngọc Trung.
Tượng đài Mẹ Nhu đứng sừng sững giữa trung tâm thành phố, được làm từ 7.000 vỏ bom, đạn được thu nhặt ở khắp Đà Nẵng (Ảnh Đ.Minh) |
Trên đường Điện Biên Phủ, cửa ngõ trung tâm TP Đà Nẵng, tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê đứng hiên ngang suốt 39 năm qua. Trong số 7 dũng sĩ được cách điệu “như những chú gà con núp dưới cánh gà mẹ”, đến nay duy nhất nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Tám, 72 tuổi, còn sống.
AHLLVTND Nguyễn Thị Tám quê ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi với nhiệm vụ vận chuyển tài liệu, truyền đơn tại vùng đô thị Đà Nẵng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Để che giấu, Nguyễn Thị Tám đi ở đợ cho một nhà ở quận Nhì (nay là quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Tại đây, Nguyễn Thị Tám bí mật làm giao liên, gây dựng phong trào, vận chuyển tài liệu, vũ khí cho cách mạng. Nhiều lần địch nghi ngờ tra hỏi, không ít lần cô bị bắt, chịu những đòn tra tấn dã man, nhưng anh hùng Nguyễn Thị Tám tuyệt đối không khai.
Tuổi trẻ Đà Nẵng giao lưu với các nhân chứng lịch sử là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (Ảnh Đ.Minh) |
“Thanh niên thời đó tham gia cách mạng đều xác định quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, do đó quân và dân quyết không để Thanh Khê nằm trong tay giặc. Bác mong thế hệ trẻ hôm nay nâng cao tinh thần cách mạng, phấn đấu học tập để tiếp tục xây dựng đất nước giàu đẹp, phát triển vững mạnh” AHLLVTND Nguyễn Thị Tám nhắn nhủ.
Tham gia buổi giao lưu, bạn Hồ Nguyễn Bảo Hân, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, nói: “Chúng em biết đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 qua những kiến thức lịch sử từ sách giáo khoa, tư liệu tham khảo, nhưng khi được nghe các cô, bác nhân chứng lịch sử kể lại thì càng hiểu hơn những chiến công hiển hách của thế hệ cha ông.
Tuổi trẻ chúng em cảm phục trước tinh thần đấu tranh quật cường của thế hệ cha anh, xen lẫn sự cảm phục ấy là lòng tự hào vể một Việt Nam trung dũng kiên cường. Chúng em hứa nỗ lực học tập, rèn luyện để không phụ sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh, không lung lay bởi những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù..”.
Những câu chuyện chân thật, xúc động từ các nhân chứng đã trực tiếp tham gia vào các giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, mang đến cho thế hệ tuổi trẻ Đà Nẵng những bài học quý giá về lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần vượt khó.
Qua những câu chuyện và trải nghiệm của các nhân chứng lịch sử, đoàn viên, thanh niên sẽ hiểu rõ hơn về những gian khổ mà dân tộc đã trải qua, từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào về truyền thống cách mạng và tinh thần đấu tranh kiên cường của các thế hệ đi trước.
Việc giao lưu giữa các thế hệ không chỉ giúp đoàn viên, thanh niên tiếp nhận những giá trị lịch sử, mà còn thúc đẩy thể hệ trẻ mạnh dạn theo đuổi ước mơ, phấn đấu để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.