Nên tăng mức phạt trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện
Xử phạt phụ huynh giao xe máy cho con chạy xe "bốc đầu" Xử lý hơn 3.900 học sinh vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm Tăng cường xử lý vi phạm giao thông bằng camera |
Nhiều phụ huynh còn xem nhẹ pháp luật
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực tuần tra, xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là tình trạng học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy đến trường. Tuy nhiên, do sự buông lỏng quản lý từ gia đình, coi nhẹ hậu quả, nhiều phụ huynh vẫn thản nhiên giao xe cho con, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Tình trạng học sinh vi phạm giao thông còn tràn lan |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội, trong tháng 11/2024 (tính từ ngày 15/10 đến 14/11/2024), lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động công an các đơn vị, địa phương đã xử lý 242 chủ xe và người liên quan vì có hành vi giao xe hoặc để người không đủ điều kiện điều khiển.
Dẫn chứng thực tế, hiện tượng đua xe trái phép vẫn tiếp diễn tại các đô thị lớn, bất chấp những nỗ lực kiểm soát của cơ quan chức năng. Vấn đề này không chỉ xuất phát từ ý thức kém của một số thanh niên mà còn từ thái độ thiếu trách nhiệm của phụ huynh, những người thường đổ lỗi cho con tự ý lấy xe. Nếu không có sự dung túng của người lớn, việc thanh thiếu niên có phương tiện để gây rối sẽ khó xảy ra.
Theo Trung tá Trần Thanh Sơn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an quận Thanh Xuân, thời gian qua, Công an quận Thanh Xuân đã xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông trên địa bàn.
Đơn vị cũng đang tiếp tục xác minh để gửi thông báo về nhà trường đối với học sinh vi phạm. Đồng thời, đơn vị cũng gửi thông báo về cơ quan, Chi bộ nơi bố, mẹ học sinh sinh hoạt Đảng để có biện pháp nhắc nhở.
Là một phụ huynh có con đang học lớp 10, chị Trần Thanh Huyền (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy nhiều học sinh của trường con tôi điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại. Các em chưa đủ trưởng thành để xử lý các tình huống giao thông phức tạp, dễ mất kiểm soát khi gặp sự cố".
Khi được hỏi về phương tiện mà chị Huyền cho con gái sử dụng, chị cho biết: “Tôi luôn giải thích cho con hiểu rằng, khi chưa đủ tuổi, việc sử dụng xe máy khi tham gia giao thông không chỉ vi phạm quy định mà còn rủi ro về an toàn khi tham gia giao thông. Vì vậy, gia đình tôi vẫn đưa đón con hoặc cho con đi xe bus để giảm thiểu rủi ro, vừa tiện lợi lại vừa an toàn hơn rất nhiều”.
Đề xuất tăng mức phạt với chủ phương tiện
Theo quy định tại điểm đ, khoản 5, Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 - 2.000.000 đồng, nếu giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển, đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.
Mặc dù đã có nhiều trường hợp phụ huynh bị xử phạt, việc áp dụng chế tài với người giám hộ vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó cần có biện pháp xử phạt mạnh hơn như phạt tiền nặng hoặc tịch thu phương tiện. Những hình thức xử phạt tác động trực tiếp đến "túi tiền" của phụ huynh sẽ giúp họ ý thức hơn trong việc quản lý con cái, tránh giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển.
Ngay cả phụ huynh khi đưa đón con đi học cũng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông |
Hiện, Cục CSGT, Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Trong dự thảo lần 4 này, cơ quan soạn thảo dự kiến điều chỉnh tăng mức xử phạt một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông và nhiều nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Dự thảo mới nhất này đề xuất tăng xử phạt hành chính đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện gấp 5 lần, từ 4 - 6 triệu đồng (mức cũ) lên 28 - 30 triệu đồng.
Đối với chủ mô tô, xe gắn máy: Đề xuất phạt 8 - 10 triệu đồng đối với cá nhân; 16 - 20 triệu đồng đối với tổ chức mà giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện cầm lái.
Với chủ ôtô và xe tương tự: Đề xuất phạt 28 - 30 triệu đồng đối với cá nhân; 56 - 60 triệu đồng đối với tổ chức giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện cầm lái. Mức phạt hiện nay là 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân; 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức.
Đại diện Cục CSGT lý giải, từ ngày 1/10 vừa qua, lực lượng chức năng toàn quốc triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với học sinh và phụ huynh; các hoạt động tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng.
Sau khoảng một tháng ra quân, lực lượng làm nhiệm vụ tại nhiều địa phương ghi nhận một bộ phận phụ huynh vẫn chưa chú ý đến việc quản lý giáo dục con em, vô tư giao xe cho các cháu dù biết con chưa đủ điều kiện điều khiển xe.
Cục CSGT đánh giá việc tăng mức xử phạt đối với một số hành vi cố tình vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, giao xe cho người không đủ điều kiện... là hoàn toàn cần thiết, đảm bảo tính nhân văn và nâng cao ý thức người lái xe, xây dựng môi trường văn hóa giao thông văn minh.
Cục CSGT nhấn mạnh, riêng đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng chế tài xử lý, gắn trách nhiệm của hành vi này với người giao xe, chủ phương tiện và đặc biệt là kiên quyết xử lý hình sự đối với hành vi giao xe mà gây ra tai nạn giao thông gây hậu quả theo quy định của pháp luật.