Hà Nội: Số bệnh nhân sốt xuất huyết giảm 98% so với cùng kỳ
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin tại buổi giao ban
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc bệnh sởi; 384 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 1 trường hợp mắc thương hàn; 2 trường hợp mắc não mô cầu; 3 trường hợp mắc bệnh dại; 8 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản; 11 trường hợp mắc liên cầu lợn; 51 trường hợp mắc ho gà; 1.222 trường hợp mắc tay chân miệng.
Trong đó, số trường hợp mắc bệnh sởi tăng so với cùng kỳ năm 2017. Bệnh nhân mắc sởi tại nhiều địa phương và rải rác từ đầu năm, không tập trung thành ổ dịch. Cao nhất tại Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa… Ngược lại, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (giảm 98% so với cùng kỳ năm 2017 là 17.619 trường hợp). Với các dịch bệnh khác, không ghi nhận ổ dịch lớn. Hầu hết các trường hợp mắc nhẹ, tự khỏi và không có tử vong.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, mặc dù số ca mắc bệnh sởi tăng nhưng hiện tại chưa xuất hiện ổ dịch và chưa có ca bệnh tử vong. Đa số đối tượng mắc sởi là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi theo quy định. Dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời.
Ông Hạnh cũng cho hay, theo nhận định của các chuyên gia, dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 vì lý do năm 2018 - 2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm. Bên cạnh đó, hằng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh, thành phố đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ thuận lợi cho vi rút sởi lây lan.
Trước tình hình bệnh sởi gia tăng so với cùng kỳ, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học; thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch; tổ chức tiêm chủng theo tuần. Các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện công tác phân luồng, phân loại bệnh nhân tại các khoa bệnh, tổ chức cách ly, sẵn sàng cấp cứu điều trị khi có bệnh nhân mắc dịch bệnh…
Về bệnh sốt xuất huyết, theo lãnh đạo Sở Y tế, tuy số ca có giảm mạnh nhưng đây là bệnh lưu hành thường xuyên, các yếu tố nguy cơ sốt xuất huyết phát sinh vẫn tồn tại. Theo nhận định của các chuyên gia, dịch bệnh này có thể tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9-11/2018.
Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức cách ly, điều trị kịp thời tránh lây nhiễm chéo; tiến hành xử lý triệt để khu vực phát sinh không để bùng phát lan rộng; thực hiện tốt hoạt động tiêm chủng thường xuyên trên địa bàn TP, đảm bảo ít nhất 95% trẻ dưới 2 tuổi được tiêm 2 mũi phòng bệnh sởi… Đặc biệt, Sở phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh sởi trong trường học, nhà trường; chú trọng tuyên truyền cho người dân chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin. Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống tay, chân miệng…