Hà Nội sẵn sàng đáp ứng công tác y tế trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố, cụ thể: tổ chức trực đầy đủ theo 4 cấp; Duy trì, đảm bảo hoạt động đường dây nóng của đơn vị 24/24 giờ để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong việc đáp ứng y tế.
Ngoài ra, các đơn vị thực hiện tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh; Chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa liên quan đến các sự kiện tập trung đông người; Đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh đuối nước; Cảnh báo tai nạn tại các địa điểm tập trung đông người.
Ảnh minh họa |
Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC), Sở Y tế đề nghị chủ trì, phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại cơ sở y tế và cộng đồng, xử lý kịp thời, triệt để, không để dịch lan rộng.
Đơn vị này tổ chức thường trực đảm bảo công tác y tế và phòng chống dịch bệnh; các đội phòng chống dịch cơ động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có các tình huống xảy ra trên địa bàn.
Ngoài ra, CDC Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác kiểm dịch y tế quốc tế qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài; Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong công tác điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra; Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội sẵn sàng công tác cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế; Đảm bảo điều phối, hỗ trợ vận chuyển người bệnh COVID-19 mức độ trung bình, nặng, nguy kịch đến các cơ sở điều trị phù hợp.
Đơn vị xây dựng phương án, bố trí nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, chế phẩm máu… đáp ứng khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.
Các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh; Đảm bảo giường bệnh, thuốc, dịch truyền để điều trị, đặc biệt quan tâm chú ý nhóm người bệnh nguy cơ (trẻ em, phụ nữ có thai, người già, có bệnh nền…), hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Đồng thời, các đơn vị tổ chức các đội cấp cứu cơ động trực tại đơn vị luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có lệnh.
Các cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, thông tin về các trường hợp mắc dịch bệnh để chủ động giám sát, xử lý tại cộng đồng.