Gốm cổ Kim Lan hứa hẹn phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại
Nét đẹp gốm cổ Bát Tràng |
Nguy cơ mai một
Làng gốm cổ Kim Lan (thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội) nằm ở phía Đông của trung tâm Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 16km.
Nghề gốm ở Kim Lan xuất hiện rất sớm. Qua khai quật tại di chỉ bãi Hàm Rồng vào các năm 2001 và 2003, cơ quan chức năng cho rằng nghề gốm ở Kim Lan có từ thế kỷ VIII và phát triển hưng thịnh đến thế kỷ XVIII.
Các sản phẩm của làng gốm sứ Kim Lan |
Từ thế kỷ VIII, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng lụa, gấm, châu, ngọc. Không chỉ có những sản phẩm giá trị, Kim Lan còn có gốm mộc, gốm thô giản dị. Đến thế kỷ XVIII, nghề gốm ở Kim Lan dần mai một.
Phải đến những năm 80 của thế kỷ XX, dân làng khôi phục lại nghề. Những năm 1990 - 1993, Kim Lan có khoảng 750 lò sản xuất gốm sứ, chủ yếu làm bát đĩa. Lúc này, dù số lò sản xuất nhiều nhưng do phương thức sản xuất thủ công nên sản lượng làm ra ít. Thời điểm đó, sản phẩm rất được ưa chuộng.
Tuy nhiên những năm 2000, sản phẩm không còn được khách hàng yêu thích, nhiều hộ gia đình trong làng không trụ được đã phải bỏ nghề.
Những năm 2002 - 2009, sản xuất gốm sứ trong làng được phục hồi. Đây cũng được coi là khoảng thời gian phát triển khá hưng thịnh của gốm sứ Kim Lan. Các sản phẩm gốm thời kỳ này được xuất khẩu sang thị trường chính là Hàn Quốc, ngoài ra còn có Mỹ và Nhật Bản. Mặt hàng xuất khẩu chính là chậu hoa.
Sau năm 2009, gốm sứ Kim Lan lại rơi vào khủng hoảng, cả làng chỉ còn khoảng 250 hộ sản xuất. Những người tâm huyết và yêu nghề lúc này một lần nữa phải vật lộn, đứng ra chèo chống và giữ nghề cho làng. Họ đã mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất chuyển từ sản xuất bằng lò than truyền thống sang lò gas. Sản phẩm gốm sứ Kim Lan hiện nay chủ yếu là mặt hàng bình dân, dân dụng như đồ thờ cúng, lọ hoa, chậu hoa, gạch ngói xây dựng… có mặt ở khắp đất nước từ Bắc đến Nam.
Hiện nay, xã Kim Lan có hơn 400 lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Nghề gốm sứ mang lại khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm cho địa phương. Sau hơn 40 năm nỗ lực gìn giữ, phát triển nghề, Kim Lan đã có thêm nhiều thế hệ nghệ nhân làm gốm. Do quy mô ngày càng lớn, tháng 7/2014, Hội gốm sứ Kim Lan được thành lập với hơn 50 hội viên, nay đã phát triển lên hơn 170 hội viên.
Bứt phá với hướng đi riêng
Phát triển hưng thịnh là thế, vậy mà một thời gian dài làng Kim Lan mất nghề làm gốm. Lý do bởi Kim Lan là xã có nhiều ruộng đất, người dân trong làng lần lượt bỏ nghề gốm chuyển sang nông nghiệp.
Sản phẩm được bày bán và xuất khẩu đến nhiều địa phương trong nước |
Thời gian ấy, người Kim Lan chăm chỉ phát triển nông nghiệp đã lãng quên nghề làm gốm truyền thống. Lúc bấy giờ, ai còn tiếc nghề, muốn theo nghề thì sang làm công cho làng gốm Bát Tràng. Thêm vào đó, phần lớn các hộ gia đình sản xuất gốm ở Kim Lan đều buôn bán nhỏ lẻ, không có khu tập trung trưng bày để quảng bá. Bởi vậy, làng nghề gốm cổ Kim Lan không được mấy ai biết đến.
Không đi theo đường lối chú trọng kinh doanh và sản xuất những sản phẩm tinh xảo, cầu kì như Bát Tràng, Kim Lan hướng đến các sản phẩm gốm xây dựng như gạch, ngói và gốm gia dụng như bát, đĩa, chậu hoa, bình…
Một góc làng gốm Kim Lan |
Xưởng của anh Nguyễn Ngọc Phóng mang tên Thanh Hương Kim Lan là một trong những địa chỉ sản xuất chậu, bình lớn nhất xã Kim Lan với nhiều thợ đang miệt mài làm việc.
Anh Phóng cho biết: “Thế kỷ XVII - XVIII, làng gốm bắt đầu suy thoái dần và chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. Đến những năm 1970 - 1977, một số người sang Bát Tràng học và bắt đầu phục dựng lại nghề gốm cổ. Làng Kim Lan bắt đầu phát triển hơn về gốm đa dụng chứ không đi sâu vào gốm sứ mỹ nghệ như Bát Tràng".
Xưởng gốm của anh Phóng đã đưa sản phẩm gốm Kim Lan đi khắp đất nước |
Anh Phóng cũng cho biết có tình trạng nhiều lái buôn đang lập lờ giữa thương hiệu Bát Tràng và Kim Lan. Họ nhập gốm của Kim Lan và bán với thương hiệu Bát Tràng để được giá cao hơn. "Vì vậy, mình muốn các cơ sở sản xuất gắn logo thương hiệu làng nghề để sản phẩm Kim Lan phát triển, được nhiều người biết đến", anh Phóng tâm sự.
Sản phẩm chính của làng gốm Kim Lan chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, mong rằng, thời gian tới, gốm Kim Lan lan tỏa nhiều hơn, được đông đảo người dân Hà Nội cũng như cả nước biết đến và sử dụng, từ đó trở thành thương hiệu nổi tiếng của Thủ đô.