Giới trẻ với thế giới tâm linh
Những năm trước đây, phổ biến quan niệm rằng, đi lễ chùa thường là người già, người có học vấn thấp. Tuy nhiên, luận án tiến sĩ của Hoàng Thu Hương - giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với đề tài “Cơ cấu nhân khẩu xã hội của những người đi lễ chùa ở nội thành Hà Nội hiện nay” cho thấy quan niệm trên không đúng.
Xu hướng ngày càng có nhiều người trẻ đi lễ đền, chùa |
Để thực hiện luận án, Tiến sĩ Hương đã tiến hành điều tra người đi lễ chùa vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng. Khảo sát người đi lễ chùa, người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tới 61,9%; tỉ lệ nam giới chiếm 35%.
Ở nhiều vùng nông thôn, người ta vẫn quan niệm rằng khi phụ nữ bước qua tuổi 50 thì mới bắt đầu tới chùa, gia nhập hội các vãi để tuổi già thanh thản nơi cửa chùa. Theo cách định tính của Phan Kế Bính trong cuốn sách Việt Nam phong tục thì có thể hình dung được rằng trong xã hội truyền thống, hầu hết người đi lễ chùa là nữ giới.
Xét về khía cạnh tâm lí, nữ giới dễ tin tưởng vào các đấng siêu nhiên, cũng như cần chỗ dựa về mặt tinh thần cao hơn nam giới. Ngày nay, kết quả điều tra cho thấy, tỉ lệ nam đi lễ chùa chiếm 35%, nữ chiếm 65%. Mặc dù số lượng nữ giới đi lễ chùa vẫn còn cao gấp 2 lần nam giới, nhưng rõ ràng tỉ lệ nam giới đi chùa đã tăng cao gấp nhiều lần so với thời xưa.
Nữ giới dễ tin tưởng vào các đấng siêu nhiên, cũng như cần chỗ dựa về mặt tinh thần cao hơn nam giới |
Quan niệm ở những năm giữa và cuối thế kỉ XX cho rằng chùa chiền chủ yếu thu hút những người già. Khi còn trẻ, người ta thường bị cuốn hút bởi rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, vui chơi giải trí nên ít chú ý tới tín ngưỡng tôn giáo. Kết quả khảo sát cho thấy, cơ cấu theo độ tuổi của người đi lễ chùa đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Trong những người đi lễ chùa: nhóm tuổi 20-30 chiếm ưu thế hơn cả, tới 40,9%; nhóm tuổi 30-40 chiếm 15,7%; nhóm tuổi 40-50 chiếm 10,9%; nhóm tuổi dưới 20 chiếm 11,3%. Thật ngạc nhiên, khi nhóm tuổi 50-60 chỉ chiếm 8,7% và nhóm tuổi trên 60 chỉ chiếm 12%. Kết quả xác định với độ tin cậy 99%, tuổi trung bình của người đi lễ chùa ở Hà Nội hiện nay vào khoảng 33-39 tuổi.
Những con số này dường như đang làm nảy sinh nghịch lí rằng, khi về già con người không còn nhu cầu tôn giáo? Thực ra không phải vậy. Vấn đề nằm ở chỗ, tác giả luận án chỉ khảo sát những người đi lễ chùa và cũng chỉ tiến hành vào các ngày mồng một và ngày rằm, ở một số ngôi chùa mà thôi. Trong khi, mối quan hệ giữa người già và hoạt động Phật giáo được thể hiện dưới rất nhiều hình thức, không chỉ là việc đi lễ chùa. Tại các chùa chiền ở Hà Nội hiện nay đều có hội gọi là Hội quy, hoặc Hội các vãi, thành viên của các hội này phần lớn là phụ nữ trên 55 tuổi, với hoạt động khá phong phú, như tụng kinh trên chùa hàng tuần, tham gia vào các khóa lễ, các ngày lễ chính của chùa, tổ chức hành hương tới các chùa khác, thăm hỏi gia đình các thành viên khi có người ốm đau hay tang lễ.
Kết quả khảo sát của Tiến sĩ Hương cho thấy, chùa chiền ngày càng thu hút người có trình độ học vấn cao. Trong số những người đi lễ chùa được hỏi, người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tới 61,9%; người có trình độ phổ thông trung học chiếm 18,8%; người trình độ trung cấp chiếm 7,9%, còn lại là người có trình độ cấp 2 trở xuống.
Nghiên cứu về tình trạng hôn nhân, tỉ lệ giữa nhóm đã kết hôn chiếm 46,9% và nhóm chưa kết hôn chiếm 43,9% trong số người đi lễ chùa, số còn lại là người li thân. Như vậy, sự khác biệt trong hôn nhân không tác động tới việc họ đi lễ chùa. Riêng ở chùa Hà, người chưa kết hôn chiếm tới 63,5%, dễ lí giải, vì chùa Hà nổi tiếng về “cầu duyên” nên dễ khi người đi lễ chùa này phần đông là chưa kết hôn.
Trong những ngày lễ chính của Phật giáo, Phật tử đến chùa rất đông và họ tham dự vào các nghi lễ do nhà chùa tổ chức. Khảo sát người đi lễ chùa vào ngày rằm, mồng một thì chỉ có 9,7% số người cho biết là họ đã quy y Tam bảo. Số lượng người đi chùa vào ngày mồng một luôn cao gấp nhiều lần so với ngày rằm. Có 66,8% số người nói rằng mồng 1 hàng tháng họ cũng đi lễ chùa nhưng chỉ có 22,4% số người cho biết họ có đi lễ ngày rằm.
Nhiều người có thể không đi lễ chùa vào ngày rằm nhưng họ không bao giờ bỏ đi lễ ngày mồng một. Bởi vì, ngày mồng một là ngày khởi đầu cho một tháng, theo quan niệm của nhiều người những điều xảy ra trong ngày này sẽ có tác động cả tháng.
Mặt trái của kinh tế thị trường là nguyên nhân của những đổ vỡ, mất mát, thiếu tính thiện... Chính điều ấy là mầm mống của những ngờ vực, thiếu niềm tin vào thực tại cuộc sống, dọn đường cho người ta tìm đến thế giới ảo hay thế giới tâm linh với niềm tin mơ hồ về đấng siêu nhân mới có thể hóa giải những khó khăn, bất trắc.
Điều ấy cũng cắt nghĩa phần nào là vì sao ngày càng có nhiều người đi lễ chùa không vì mục đích tu học mà chỉ để cúng vái; rồi còn đi xem bói, xem số, thậm chí còn tin vào những điều nhảm nhí mà kẻ xấu đã biết lợi dụng sự cả tin của một số người để trục lợi như chữa bệnh không cần dùng thuốc mà chỉ cần ấn nhẹ vào người hay chỉ uống nước rồi đọc câu thần chú,...
Một trong những biểu hiện tiêu cực, thái quá đáng kể trong đời sống tâm linh những năm gần đây là người ta đốt nhiều đồ mã, vàng mã tại các đền chùa miếu mạo có đặt am thờ hoặc trong nhiều gia đình dòng họ, nhất là vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp. Điều muốn nói, người ta chỉ biết cầu mong cho riêng mình mà quên đi cái lợi chung hay là những tác động xấu tới cộng đồng (mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người,...).
Đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, bên cạnh những biểu hiện tiêu cực, thái quá, nhìn chung là lành mạnh, tích cực với những mĩ tục thuần phong thật đáng trân trọng. Chính những mĩ tục thuần phong ấy là căn cốt của đời sống tinh thần, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, của sức sống dân tộc trong tiến trình lịch sử với những ước vọng, niềm tin vào thế giới tâm linh vừa gần gũi mà cũng thật xa vời.