Gìn giữ văn hóa Mường tại huyện Thạch Thất
Những thành tựu nổi bật của huyện Thạch Thất sau 15 năm |
Giữ hồn cồng chiêng xứ Mường
Người Mường chiếm 5,2% dân số huyện Thạch Thất, chủ yếu phân bố tại 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình. Sau 15 năm "về với" Thủ đô, những nét văn hóa dân tộc Mường tại các xã nói trên vẫn được bảo tồn, thậm chí còn phát triển rực rỡ.
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã gặp nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, người sinh sống cả đời ở thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, để tìm hiểu về những thay đổi trong đời sống văn hóa của người Mường trong những năm gần đây.
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn bảo tồn tiếng cồng chiêng của người Mường |
Đáng ra, người phụ nữ xứ Mường này chỉ quanh quẩn với ruộng lúa, rẫy ngô và những tiếng cồng chiêng trầm muộn bên dãy núi Viên Nam xanh ngái. Tuy nhiên, sự kiện xã Tiến Xuân "chia tay" huyện Lương Sơn (Hòa Bình) để về với Thủ đô Hà Nội đã thay đổi cuộc đời bà.
Bằng tất cả sự chân chất thật thà của người phụ nữ Mường, bà Bích Thìn tâm sự: “Trước kia, vì điều kiện kinh tế nghèo nàn, thôn bản dần vắng bóng những bộ chiêng quý, người dân ít đánh chiêng và sao lãng việc truyền dạy cho thế hệ sau. Từ ngày về với Hà Nội, văn hóa của đồng bào Mường được quan tâm, chăm sóc. Để gọi dậy điệu hồn Mường, trong nhiều năm, huyện Thạch Thất đã tổ chức các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng tập trung cho người dân”.
Với ước mơ thắp lửa đam mê biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường, bà Bích Thìn đã miệt mài hướng dẫn người dân cách sử dụng cồng chiêng, đánh được các bài chiêng, học hát dân ca Mường. Bà vận động những chàng trai, cô gái các thôn bản tham gia tập luyện cồng chiêng, truyền dạy cho họ kỹ thuật đánh, cách đo âm vực cồng chiêng bằng sải tay, giảng giải ý nghĩa văn hóa được mã hoá trong chuỗi âm thanh trầm bổng.
May thay, thời điểm đó, được sự hỗ trợ của chính quyền, mỗi bản làng ở Tiến Xuân đều được trang bị một bộ chiêng tốt. Như cơn mưa trong ngày nắng hạn, sự trang bị kịp thời này càng khơi dậy phong trào tập cồng chiêng tại Tiến Xuân.
Giữ gìn văn hóa Mường tại xã Tiến Xuân, Thạch Thất |
Cứ như thế, văn hóa Mường đã được những người như nghệ nhân Bích Thìn lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Mới đầu năm 2023, xã Tiến Xuân đã mạnh dạn tổ chức ngày hội văn hóa Mường ngay tại sân trụ sở UBND. Hàng nghìn người đã đến tham dự.
Trong ngày hội, không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tiếng chiêng ngân lên ngày đầu năm mới để khởi đầu một năm ấm no, trâu bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, yên vui. Tiếng chiêng ngày hội như chào mời, thúc giục du khách xa gần; Tiếng hát thiết tha: “Tiếng cồng bản Mường, âm vang rừng núi / Mãi còn đây nền văn hóa quê mình / Tiếng cồng bản Mường, trao nhau lời thương / Ta tìm nhau trong đêm hội cồng chiêng / Hội đông mắt cũng no nhìn bạn ơi / Lại xem cô gái quê mình đánh chiêng / Lưng xanh váy lĩnh áo choàng / Trái đào dây bạc vòng trằm roong reng / Roong reng là roong reng”...
Không dừng ở đó, tiếng chiêng đã giúp nghệ nhân Bích Thìn và người dân Tiến Xuân được biểu diễn trên những sân khấu lớn. Bà và các chị em trong xã xuất hiện tại festival cồng chiêng toàn quốc, tham gia liên hoan các loại hình múa dân gian Hà Nội. Thậm chí, họ còn dâng tiếng chuông ngân tại Tượng đài Lý Thái Tổ. Cứ như vậy, mạch nguồn văn hóa của dân tộc Mường được lưu truyền nhờ sự quyết tâm, tinh thần dám làm của người phụ nữ bé nhỏ Bùi Thị Bích Thìn.
Trọng trách đặt lên vai thế hệ trẻ
Theo báo cáo của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất được đánh giá thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cụ thể, huyện Thạch Thất đã xây dựng kế hoạch về việc triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, giai đoạn 2016-2020”, tổ chức 2 đợt cho cán bộ, lãnh đạo UBND huyện, 3 xã, người có uy tín với 80 lượt người đi tham quan học tập kinh nghiệm công tác bảo tồn văn hóa dân tộc tại tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Huyện đã trang bị 35 bộ chiêng Mường, 50 bộ trang phục truyền thống cho 35 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Các diễn viên mang tiếng cồng chiêng của người Mường ra sân khấu |
Tuy vậy, vấn đề kế thừa, tiếp nối các giá trị truyền thống của văn hóa Mường cho thế hệ trẻ cũng là bài toán nan giải.
Nghệ nhân Bích Thìn chia sẻ, bà đã dành nhiều tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Không chỉ dạy cách đánh chiêng, bà Thìn còn giải thích cho các em về văn hóa cồng chiêng, về dàn chiêng 12 cái có kích cỡ và âm sắc khác nhau, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Nếu như chiêng của người Mường huyện Thạch Thất có quai để xách khi biểu diễn thì người Tây Nguyên thường treo trên giá chiêng. Nếu như chiêng của đồng bào Tây Nguyên không có núm thì ngược lại, núm chiêng Mường là vị trí trung tâm để dùi gỗ tiếp xúc với chiêng, ngân lên những âm thanh trầm hùng biến ảo.
“Các học sinh ban đầu nghe tiếng chiêng chưa tròn, động tác đánh chiêng còn gượng nhưng đều đam mê tìm hiểu nhạc cụ đặc biệt của dân tộc mình. Rồi mai đây, không ai khác, chính các em sẽ biểu diễn những bài chiêng quý, sẽ truyền lại cách đánh chiêng cho các thế hệ sau để ngân lên mãi điệu hồn Mường…”, nghệ nhân Bích Thìn ước ao.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long thông tin, thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường; Đồng thời, khôi phục và phát huy một số di sản văn hóa như: Trang phục, ngôn ngữ, chiêng Mường, mo Mường...
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết thêm, cùng với việc thường xuyên tổ chức trình diễn trang phục dân tộc Mường gắn với biểu diễn văn nghệ để thu hút thế hệ trẻ cùng tham gia, huyện đã yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp với 3 xã miền núi thúc đẩy các hoạt động cộng đồng về văn hóa vật thể, phi vật thể; Vận động lớp người cao tuổi truyền lại những giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ, qua đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống hôm nay. |