Gia đình trẻ giữ gìn phong tục Tết cổ truyền
Tết ấm áp trong vòng tay đồng đội Tết xa nhà của người trẻ Việt |
Đến hẹn lại lên, cứ 29 Tết, gia đình nhỏ của Đào Hồng Lan (Gia Lâm, Hà Nội) lại quây quần gói bánh chưng. Không khí cả gia đình vừa làm vừa trò chuyện thật ấm áp, ai cũng cảm nhận được hương vị ngày Tết rõ ràng hơn.
Theo Lan, việc chuẩn bị Tết của nhiều gia đình không còn như xưa. Việc sắm tết trở nên đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều, cái gì cũng làm sẵn, bán sẵn, có sẵn để mua, chỉ cần đi một vòng quanh chợ, siêu thị thậm chí một cuộc điện thoại là có thể sắm được đủ thứ cần thiết...
Nhiều gia đình trẻ vẫn duy trì truyền thống gói bánh chưng ngày Tết |
Tuy nhiên, khi được cùng gia đình chuẩn bị tết, tự tay gói những chiếc bánh chưng, chuẩn bị trang hoàng nhà cửa và tham gia các phong tục truyền thống Lan cảm nhận được sự khác biệt. Đó là không khí nhộn nhịp, tất bật và gắn bó với nhau, cô cũng thấy trân quý hơn giây phút sum vầy cùng gia đình. “Vì hương vị đặc biệt đó, vợ chồng mình luôn cố gắng duy trì truyền thống của gia đình, cùng dọn dẹp, gói bánh chưng, trang trí nhà cửa... Tết chính là giá trị tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam”, Lan chia sẻ.
Cũng vì cảm nhận được giá trị của Tết cổ truyền và yêu không khí ấm cúng ngày Tết, gia đình anh Nguyễn Bình (Long Biên, Hà Nội) luôn lưu giữ phong tục gói bánh chưng. “Khung cảnh mỗi thành viên trong nhà tất bật chia nhau công việc rửa lá, vo gạo, gói bánh, chuẩn bị nồi luộc bánh luôn là ký ức đẹp với mình. Vì thế, mình cũng muốn các con cảm nhận được không khí đó và giúp chúng hiểu nét đẹp phong tục truyền thống”, anh Bình chia sẻ.
Anh Bình cho biết thêm, hai con của anh còn rất nhỏ nhưng chúng luôn háo hức được giúp bố mẹ những việc nhỏ như gom lá, lau lá… Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, các thành viên quây quần bên nhau, cùng thưởng thức bánh, mứt, cùng trò chuyện và thức canh nồi bánh chưng làm cho không khí Tết cũng vì thế mà đậm đà hương vị ngày xuân hơn.
Cảm giác cả gia đình đình quây quần trông nồi bánh chưng thật thú vị |
Bận rộn với công việc kinh doanh nhưng chị Nguyễn Quỳnh Trang (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) vẫn tranh thủ thời gian dọn dẹp, trang trí nhà cửa để kịp đón Tết. Năm nào cũng vậy, chị Trang đều làm công việc này cùng các con với mong muốn chúng cảm nhận được không khí của ngày Tết, giống như cảm giác mà chị đã trải qua khi còn trẻ thơ.
“Đây không đơn giản là một công việc dọn dẹp bình thường, đó là sự sum vầy, là gắn kết tình cảm gia đình”, chị Trang chia sẻ.
Cũng theo chị Trang, trong cuộc sống hối hả và những tiện nghi của cuộc sống hiện đại, người dân vơi dần sự mặn mà với ngày Tết, với phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chính vì vậy, việc tạo cơ hội để con trẻ cùng tham gia hoạt động chuẩn bị và vui chơi tết chính là cách để chúng tự cảm nhận và ghi nhớ giá trị tốt đẹp trong truyền thống Tết cổ truyền.
Cùng đi sắm sửa ngày Tết, tảo mộ, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, cùng làm bánh mứt, gói bánh tết, dành thời gian vui xuân sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ khi trưởng thành của trẻ thơ và là cách bảo tồn, giữ gìn, phát huy nét đẹp ngày Tết Việt.