Chúc Tết đầu năm - Nét đẹp văn hóa của người Việt
Không ai biết được nguồn gốc cụ thể phong tục chúc Tết bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, Tết là thời điểm chúng ta đón chào một năm mới và tạm biệt năm cũ, hay còn gọi là khoảnh khắc giao mùa, đất trời dường như cũng đổi khác. Một năm mới với nhiều khởi đầu mới, ai cũng có những ước mơ, hoài bão riêng. Tất cả đều mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm tiếp theo.
Chính vì thế mà phong tục chúc Tết những ngày đầu năm được hình thành. Họ trao nhau những lời chúc Tết hay và ý nghĩa để mong bạn bè, người thân cũng đạt những ý nguyện của riêng mình. Đây là truyền thống cao đẹp của người Việt Nam vào những ngày Tết và được lưu truyền từ ngàn đời nay. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác và cứ thế họ trao nhau những lời chúc đẹp nhất.
Phong tục chúc Tết của người Việt được bảo tồn và giữ gìn qua bao thế hệ |
Phong tục chúc Tết của người Việt được gói gọn trong câu thành ngữ: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Đó là nếp sống đã trở thành phong tục ngày Tết, được bảo tồn và giữ gìn qua bao thế hệ, thể hiện lòng hiếu thảo, sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ, hai bên nội - ngoại và tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Sáng ngày mồng một Tết - ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ về bên nội để chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người đều tăng lên một tuổi. Bởi vậy, ngày mồng một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà, cha mẹ. Con cháu trong nhà, lần lượt từ người lớn đến trẻ nhỏ nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khỏe và những điều tốt lành. Ông bà, cha mẹ chúc Tết lại con cháu, kèm theo những đồng tiền mừng tuổi để trong giấy hồng (ngày nay gọi là phong bao “lì xì”) cầu chúc cho con trẻ một tuổi mới may mắn, nhiều niềm vui.
Đến mồng hai Tết, vợ chồng con cái lại sang chúc Tết bên nhà ngoại. Sau những nghi thức trang trọng, đầm ấm và thân tình như ngày mồng một, hai bên gia đình thường quây quần, sum họp bên nhau cùng thưởng thức bữa cỗ Tết đông vui, nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai nhà nội ngoại.
“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ…” thể hiện ý nghĩa to lớn của chữ hiếu trong đời sống của người Việt. Hiếu thảo là chính là gốc của đạo đức gia đình. Vì vậy, từ lâu người Việt đã chọn hai ngày đầu tiên của năm mới để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hai gia đình nội, ngoại.
Tết là dịp gia đình vui vầy sum họp, trao cho nhau nụ cười và những lời chúc tụng |
Ngày mồng ba, người Việt thường dành riêng để chúc Tết thầy cô giáo. Với tinh thần tri ân những người đã có công lao dạy dỗ mình thành người hiểu biết, người Việt quan niệm "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Vì vậy, vào dịp đầu xuân, những người học trò thường tụ họp ở gia đình thầy cô giáo để chuyện trò và chúc thầy cô giáo một năm mới với nhiều điều tốt lành.
Tết Nguyên đán là những ngày trang trọng, vui tươi nhất của dân tộc ta. Tết là dịp gia đình vui vầy sum họp, trao cho nhau nụ cười và những lời chúc tụng, mừng tuổi để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình thương yêu của mọi người trong gia đình, với niềm mong ước một năm mới an vui, may mắn và hạnh phúc. Phong tục chúc Tết là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Có thể thấy, phong tục chúc Tết được khẳng định là văn hóa bản địa của người Việt, là truyền thống được người dân gìn giữ từ bao đời nay. Dù cuộc sống thay đổi, tác động ít nhiều đến phong tục này song giá trị cốt lõi vẫn không thay đổi. Chắc chắn rằng trong tương lai, phong tục ý nghĩa này vẫn luôn được bảo tồn và lưu truyền.
Năm mới sắp đến, hãy dành những lời chúc ý nghĩa đến ông bà, cha mẹ, bạn bè để mọi người luôn luôn vui vẻ. Phong tục chúc tết sẽ giúp mọi người cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc. Hãy bỏ lại phía sau những phiền muộn để đón chào năm mới an khang, thịnh vượng nhé!