Gần 95% xã, phường ở Hà Nội có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết
Thêm 95 ổ dịch mới
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hà Đông (174 ca), Phú Xuyên (161 ca), Cầu Giấy (150 ca), Đan Phượng (145 ca), Hoàng Mai (141 ca), Đống Đa (138 ca), Thanh Oai (135 ca), Ba Đình (124 ca), Nam Từ Liêm (120 ca), Chương Mỹ (107 ca), Thanh Trì (101 ca), Thanh Xuân (100 ca).
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết |
Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 95 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm 14 ổ dịch; Hoàng Mai 13 ổ dịch; Đống Đa 11 ổ dịch… Đây cũng là tuần ghi nhận số ổ dịch nhiều nhất từ đầu năm đến nay.
Nếu tháng 7 và tuần đầu tháng 8/2023, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội chỉ khoảng 500-600 ca/tuần thì từ tuần thứ 2 tháng 8 trở đi, số ca mắc tăng lên 1.000 ca. Từ giữa tháng 9/2023 đến nay, số ca mắc tăng đột biến từ 2.200 đến 2.400 ca/tuần. Tuần qua ghi nhận số ca mắc kỷ lục từ đầu năm đến nay (hơn 2.400 ca/tuần).
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 12.776 trường hợp sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (968 ca), Thạch Thất (889 ca), Thanh Trì (828 ca), Hà Đông (781 ca), Phú Xuyên (764 ca), Đống Đa (715 ca), Cầu Giấy (708 ca), Nam Từ Liêm (643 ca), Đan Phượng (593 ca), Bắc Từ Liêm (549 ca), Thanh Oai (533 ca).
Như vậy, từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 870 ổ dịch. Hiện còn 257 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 327 bệnh nhân; xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 74 ca; Thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai có 65 bệnh nhân…
Theo nhận định của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết. Với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.
Trước tình hình này, CDC thành phố đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao; Từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Trong tuần này, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục được triển khai tại các ổ dịch trên địa bàn các quận, huyện: Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Tây Hồ.
Cảnh báo tình trạng bệnh nhân tự ý truyền dịch
Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng cả người lớn và trẻ nhỏ; Có những trường hợp tái mắc nhiều lần.
Ghi nhận tại 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm hiện tại đang điều trị 157 ca sốt xuất huyết; Trong đó, 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy.
Số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tăng nhanh |
Tương tự, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại đây đã chiếm 1/3 số bệnh nhân…
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số ca mắc sốt xuất huyết đến thăm khám cũng gia tăng. Cộng dồn đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị hơn 300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 số trường hợp nặng.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa có nhiều trường hợp nặng; Trong đó có những bệnh nhân xuất huyết nặng, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam không cầm hay bị cô đặc máu...
Thêm một thực trạng đáng lo ngại, nhiều bệnh nhân sau khi mắc sốt xuất huyết đã tự ý điều trị tại nhà bằng cách truyền dịch hoặc chẩn đoán mình mắc các bệnh khác như cảm cúm, COVID-19 nên chủ quan không chữa trị kịp thời, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như tiểu cầu hạ, chảy máu chân răng, chảy máu cam. Thậm chí, nhiều trường hợp đã suy gan và viêm màng não.
ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, trong 3 ngày đầu người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp. Do đó, người bệnh nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền. Người bệnh nên bù nước điện giải bằng đường uống, hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.
"Sau ngày thứ 3 - 7, của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng (Hematocrit tăng kèm theo tiểu cầu giảm nhanh, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, men gan tăng cao) hoặc có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: Khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì", ThS.BS Trần Văn Bắc nhấn mạnh.