Đời sống người dân Điện Biên chuyển biến tích cực nhờ chương trình Nông thôn mới
Diện mạo đổi thay
Toàn tỉnh Điện Biên có 116 xã tham gia xây dựng Nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, bình quân chỉ đạt 1,4 tiêu chí/xã (năm 2011). Cùng với đó, các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, phân bố dân cư không đồng đều.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn tồn tại một thực trạng đáng báo động là tình trạng buôn bán ma túy, dân di cư tự do còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương. Do đó một phần nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình tổ chức, triển khai xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Điện Biên đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân, xây dựng Nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp. Nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp trên địa bàn tỉnh Điện Biên |
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm, các điều kiên về y tế, giáo dục văn hoá đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn cơ bản hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tổng số công trình thủy lợi được cải tạo, nâng cấp, xây mới là 112 công trình; 86,96km kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa. Diện tích trồng trọt đã được tưới tiêu đạt 109.352,52ha, diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp thoát nước 1.854.31ha. Kinh tế nông thôn cơ bản phát triển đa dạng, các vùng sản xuất chuyên canh ngày càng hình thành nhiều, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân, đến nay, tỉnh Điện Biên đã công nhận 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn Nông thôn mới (trong đó có 18 xã đạt chuẩn và 4 xã cơ bản đạt chuẩn) vượt chỉ tiêu 15 xã do Thủ tướng Chính phủ giao.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực Nông thôn mới ước đạt 18,5 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, toàn tỉnh không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Tiếp tục phấn đấu xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu
Chương trình xây dựng Nông thôn mới bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân từng bước được nâng lên, nhân dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng Nông thôn mới nên đã chủ động tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.
Đời sống kinh tế của người dân có nhiều đổi thay nhờ chương trình Nông thôn mới |
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cho biết: Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới, mặc dù Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Công tác chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới có lúc, có nơi còn biểu hiện hình thức, chưa có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo tại các xã đặc biệt khó khăn.
Một số xã sau khi đạt chuẩn có tư tưởng bằng lòng, thỏa mãn, không quyết liệt trong chỉ đạo nên đến nay chưa có xã nào đạt tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng thiết yếu tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho thực hiện Chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế để hoàn thành các mục tiêu đề ra…
Theo mục tiêu, tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2020 có 35 xã cơ bản đạt chuẩn Nông thôn mới, 1 - 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, một xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền và người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cho biết, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, đặc biệt đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng và xét công nhận thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới theo Bộ tiêu chí của UBND tỉnh đã ban hành.
Đồng thời, tỉnh cũng nâng cao số tiêu chí tại các xã ở các huyện khó khăn để giảm chênh lệch giữa các vùng. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Thực hiện xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, nâng cao về chất đối với thôn bản, xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương