Đề xuất xử lý hình sự đối với lái xe chở quá trọng tải
Vĩnh Phúc: Kiểm soát xe quá tải và khai thác đất trái phép Hà Nội: Xe quá tải vẫn tàn phá các tuyến đê Yêu cầu ngăn chặn, xử lý tình trạng xe tải "cày" nát đê |
Sáng 8/12, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội, hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND các huyện, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tại (GTVT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong việc quản lý bến bãi, xử lý xe quá tải, quá khổ lưu thông trên các tuyến đê trên địa bàn thành phố.
Đại biểu Trần Việt Anh (quận Ba Đình) đề nghị Chánh Thanh tra Sở GTVT và Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết trách nhiệm của mình đối với tình trạng xe quá khổ, quá tải chở vật liệu xây dựng đang hoạt động mạnh gây hư hỏng các tuyến đê trên địa bàn thành phố?
Đại biểu Trần Việt Anh nêu câu hỏi chất vấn |
Trả lời đại biểu, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang cho biết, thành phố hiện có 20 tuyến đê dọc sông vừa là đê ngăn lũ, vừa là đường giao thông. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Thanh tra Sở GTVT thành phố đã đề xuất xây dựng nhiều kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại quận, huyện, thị xã phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý.
Qua tổng kiểm tra, đơn vị đã xử phạt 13 doanh nghiệp vi phạm từ đầu mối bốc xếp, xử phạt số tiền 70 triệu đồng đối với các trường hợp chở quá tải trọng ngay từ đầu nguồn; Xử phạt 184 trường hợp mở bến thủy không phép với số tiền gần 1 tỷ đồng tại quận Long Biên và các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn.
Đối với những trường hợp xử lý về chở quá tải, lực lượng thanh tra của Sở GTVT đã xử phạt trên 3.000 trường hợp với số trên 35 tỷ đồng.
Ngoài ra, các hình thức phạt bổ sung khác cũng được thực hiện như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tước phù hiệu, tước giấy kiểm định và tem kiểm định đối với các phương tiện vi phạm trong thời gian từ 2 - 4 tháng đối với các trường hợp chở quá tải.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, mặc dù đã xử lý như vậy nhưng lực lượng thanh tra gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý tài xế vi phạm. Do mức phạt cao, có mức phạt lên tới 70 - 80 triệu đồng, ngừng hoạt động của phương tiện đó từ 2 - 4 tháng thì sự chống đối của lái xe với lực lượng kiểm tra xảy ra thường xuyên.
Ngoài ra, lực lượng thanh tra thì thẩm quyền tạm giữ cũng bị hạn chế, việc dừng xe trên tuyến đường hoặc tuyến đê rất khó. Lái xe thường dừng xe ở nơi có thể gây cản trở, gây mất an toàn giao thông và bỏ đi. Có những trường hợp phải mất cả ngày, đêm để thuyết phục lái xe thực hiện kiểm tra.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang trả lời chất vấn đại biểu |
Do đó, Chánh thanh tra Sở GTVT kiến nghị, tăng chế tài đối với các xe vi phạm, không chỉ tăng về mức phạt hành chính mà còn về mặt xử lý hình sự với lái xe, đặc biệt là với những phương tiện chở quá tải trọng.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, các bến bãi tập kết, khai thác trái phép cùng với việc xe quá khổ, quá tải thường xuyên lưu thông trên mặt đê đã ảnh hưởng xấu đến hệ thống đê điều, đe dọa đến sự an toàn của người dân, giảm khả năng chống lũ.
Thời gian tới, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết sẽ lắp đặt thêm các mố, gờ giảm tốc, hạn chế xe quá khổ, quá tải lưu thông trên mặt đê. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, lắp đặt các biển báo, biển cấm, phối hợp xử lý nghiêm phương tiện vi phạm an toàn hành lang đê điều.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cũng đề nghị các đơn vị thành phố tham mưu, đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống đê điều, mở rộng mặt cắt, tăng khả năng chịu tải đối với mặt đê. Việc nâng cấp sẽ giúp xe có tải trọng lớn hơn lưu thông trên đường đê.