Để Hội “chơi được” với sinh viên...
3 dự án và một kết quả bất ngờ tại bảng C "Sinh viên thế hệ mới" |
Sáng 21/9, Hội nghị lấy ý kiến các ban, đơn vị Trung ương Đoàn góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 được tổ chức.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Hồ Hồng Nguyên chủ trì hội nghị.
Sự khác biệt của sinh viên gen Z
Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết, đến nay quá trình lấy kiến, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI đã trải qua 12 lần ở các đối tượng khác nhau. Các ý kiến góp ý được nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu hợp lý, xác đáng để đưa vào dự thảo báo cáo chính trị.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị |
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 dự kiến tổ chức từ ngày 13 đến 15/12/2023, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô với sự tham gia của 700 đại biểu là cán bộ, hội viên, sinh viên tiêu biểu đại diện cho hơn 2 triệu sinh viên Việt Nam ở trong và ngoài nước. |
Đặc biệt, nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan, Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tiến hành 2 cuộc khảo sát, nghiên cứu và lấy ý kiến sinh viên trên diện rộng gồm: Đề tài nghiên cứu “Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay” và khảo sát trực tuyến “Hiến kế sinh viên”.
Từ các khảo sát cho thấy, lối sống của sinh viên phản ánh xu hướng lựa chọn vì giá trị của bản thân và mang đậm thiên hướng cá nhân. Trong học tập, sinh viên thể hiện xu hướng tự quyết khá rõ ràng khi gặp khó khăn. Cùng với sự phát triển của công nghệ và sự đa dạng của các hoạt động giải trí, sinh viên có nhiều lựa chọn và sự tự do để tận hưởng cuộc sống giải trí theo phong cách riêng. Kết quả phân tích động lực tham gia hoạt động Hội Sinh viên cũng cho thấy phần lớn bạn trẻ cho rằng tham gia hoạt động của Hội vì “có cơ hội thể hiện bản thân”.
Toàn cảnh hội nghị |
Về định hướng giá trị nghề nghiệp, sinh viên cho thấy họ có định hướng khá rõ ràng. Đại bộ phận sinh viên dự kiến làm việc ở khu vực tư nhân và “khởi nghiệp” đang trở thành một xu hướng quan trọng. Hình mẫu lý tưởng trong nghề nghiệp của sinh viên phụ thuộc vào chuyên ngành và những người nổi tiếng họ ngưỡng mộ.
Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên có xu hướng muốn chỉ là chính mình với phiên bản tốt nhất trong tương lai. Ba giá trị mà họ đề cao ở nghề nghiệp trong tương lai là “lãnh đạo có tầm nhìn”, “thu nhập cao” và “môi trường làm việc năng động sáng tạo”. Điều này cho thấy sự khác biệt của sinh viên gen Z với các thế hệ trước.
Mạng xã hội được xác định là một nhân tố tác động lớn đến các khía cạnh đời sống, nhận thức của đại bộ phận sinh viên. Mạng xã hội thường sử dụng là Facebook, Zalo, Instagram và Tiktok. Đánh giá về ảnh hưởng của mạng xã hội, sinh viên đều cho rằng mạng xã hội thể hiện cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong đó, tích cực thể hiện ở khía cạnh về tiếp nhận thông tin nhanh chóng, mở rộng quan hệ xã hội phục vụ cho học tập, giải trí và công việc.
Chú trọng tạo kỹ năng cho sinh viên
Ở chiều ngược lại, việc tốn quá nhiều thời gian cho mạng xã hội sẽ làm sinh viên bị “lệ thuộc” và “lười suy nghĩ” ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cảm xúc. Bên cạnh đó, còn có không ít trường hợp sinh viên bị lừa đảo, quấy rối tình dục hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn phát biểu tại hội nghị |
Trước những đặc điểm khác biệt của sinh viên hiện nay, chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn, cho rằng cần phải thiết kế giải pháp để Hội có thể “chơi được” với sinh viên và tập trung vào mối quan tâm của họ như vui chơi giải trí, tình yêu đôi lứa… Từ các hoạt động thu hút các bạn sinh viên đến với tổ chức Hội, sau đó mới giáo dục tư tưởng chính trị cho họ.
Chị Thu Vân cũng đề xuất cần phát huy hơn nữa tính sáng tạo, tiếng nói của sinh viên trong tất cả các vấn đề xã hội. Tổ chức Hội có thể mở diễn đàn online về các chủ đề khác nhau để sinh viên được bày tỏ quan điểm.
“Một trong những nội dung cần phải đưa lên hàng đầu là trang bị cho sinh viên kỹ năng quản lý tài chính ngay từ sớm không để tình trạng “đầu tháng thừa tiền, cuối tháng thiếu tiền”. Mặt khác, sinh viên cần được tập huấn về vay vốn tín dụng”, chị Thu Vân đề nghị.
Anh Lê Thanh Tú, Trưởng ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn chia sẻ tại hội nghị |
Anh Nguyễn Nhất Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn đề xuất, sinh viên chủ động tạo ra trào lưu xu hướng tích cực trên không gian mạng thuộc nhiều lĩnh vực như: Văn nghệ, lối sống đẹp… Bên cạnh đó, Hội Sinh viên chú trọng công tác quản trị, đưa ra các dự báo chuyển biến của không gian mạng, mạng xã hội để có định hướng sát hơn dẫn dắt sinh viên tham gia trên môi trường mạng một cách an toàn, lành mạnh.
Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam dự kiến tiếp tục lựa chọn phong trào “Sinh viên 5 tốt” là phong trào chủ đạo, xuyên suốt của công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2023 -2028. Điểm mới về bố cục của phần phương hướng nhiện kỳ XI là việc bổ sung thêm thành tố “đồng hành” vào chương trình “Tư vấn, đồng hành, hỗ trợ sinh viên”; Đồng thời bổ sung 4 đề án, bao gồm: Chuyển đổi số các hoạt động Hội Sinh viên Việt Nam; Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp; Nâng cao năng lực cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Với khẩu hiệu hành động dự kiến “Sinh viên Việt Nam vững bản sắc, xây khát vọng, tự hào tiến bước”, báo cáo chính trị đề ra 2 mục tiêu lớn của nhiệm kỳ: Vun đắp, phát triển toàn diện sinh viên Việt Nam và xây dựng tổ chức hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh; đồng thời cụ thể hoá bằng 12 chỉ tiêu nhiệm kỳ. |