COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng đừng mất cảnh giác
"Trong hơn 1 năm qua, đại dịch có xu hướng giảm.... Xu hướng này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra... Hôm qua (5/5), Ủy ban khẩn cấp đã họp lần thứ 15 và đề nghị tôi hãy tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế. Tôi đã chấp nhận lời khuyên đó", Tổng Giám đốc WHO nói.
Cuộc họp khẩn cấp ngày 30/1/2020 của WHO, ngày mà Tổng Giám đốc WHO và Ủy ban khẩn cấp đồng thuận coi COVID-19 (lúc đó được gọi là 2019-nCoV hay "virus corona mới") là một tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) - Ảnh tư liệu |
Cách đây hơn 3 năm, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát dịch do chủng mới của virus SARS-CoV-2 là trường hợp khẩn cấp y tế gây quan ngại quốc tế vào tháng 1/2020 và 6 tuần sau đó tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
PHEIC tạo ra một thỏa thuận giữa các quốc gia tuân thủ các khuyến nghị của WHO để quản lý tình trạng khẩn cấp. Sau đó, mỗi quốc gia tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của riêng mình - những tuyên bố có giá trị pháp lý.
Các quốc gia dựa theo PHEIC để sắp xếp các nguồn lực cũng như có thể tùy tình hình dịch để chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế. Mỹ chuẩn bị kết thúc tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19 vào ngày 11/5 tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia WHO, COVID-19 tiếp tục lây lan, virus đang tiến hóa và vẫn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nhưng ở mức độ thấp hơn.
"Vẫn còn một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và tất cả chúng ta đều thấy điều đó hàng ngày về sự tiến hóa của loại virus này, về sự hiện diện toàn cầu của nó, sự tiến hóa liên tục của nó và những ảnh hưởng tiếp tục trong cộng đồng của chúng ta, cả ảnh hưởng xã hội", Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp về y tế của WHO cho biết.
TS Mike Ryan cho biết thêm: “Chúng tôi hoàn toàn cho rằng loại virus này sẽ tiếp tục lây truyền nhưng đây là lịch sử của các đại dịch... Trong hầu hết các trường hợp, đại dịch thực sự kết thúc khi đại dịch kế tiếp bắt đầu...".
Theo TS Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO và là người đứng đầu chương trình về bệnh mới nổi, giai đoạn khẩn cấp của cuộc khủng hoảng COVID-19 đã qua nhưng căn bệnh này vẫn “ở đây” và virus corona gây bệnh sẽ không biến mất sớm.
“Mặc dù không còn trong tình trạng khủng hoảng nhưng chúng ta không thể mất cảnh giác... Về mặt dịch tễ học, loại virus này sẽ tiếp tục gây ra những đợt bùng phát. Điều chúng ta hy vọng là có sẵn các công cụ để đảm bảo rằng các làn sóng trong tương lai không dẫn đến dịch bệnh nghiêm trọng hơn, không dẫn đến các làn sóng tử vong và chúng ta có thể làm điều đó với các công cụ có trong tay", TS Maria Van Kerkhove nói.
Theo dữ liệu của WHO, kể từ đầu đại dịch cho tới nay, thế giới đã ghi nhận hơn 765 triệu trường hợp nhiễm COVID-19, gần 7 triệu người đã tử vong do COVID-19. Mỹ báo cáo nhiều trường hợp tử vong nhất, khoảng 1/6 tổng số ca tử vong là ở Mỹ.
Số ca mắc COVID-19 lên tới đỉnh điểm vào tháng 12/2022 với sự càn quét của biến thể Omicron trên toàn cầu. Tuy nhiên, số ca tử vong do Omicron vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm các làn sóng trước đó nhờ hàng tỷ liều vaccine đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới.
Giờ đây, các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đang ở mức thấp nhất trong 3 năm. Tuy nhiên, hơn 3.500 người đã chết trong tuần cuối cùng của tháng 4 và nhiều người trên thế giới vẫn chưa được tiêm phòng.
Tổng Giám đốc WHO Tedros cho biết nếu cần, ông sẽ không ngần ngại triệu tập một cuộc họp ủy ban khẩn cấp khác và tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu một lần nữa nếu có sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm hoặc tử vong do COVID-19 trong tương lai.
“COVID-19 đã ra đi và tiếp tục để lại những vết sẹo sâu trên thế giới của chúng ta. Những vết sẹo đó phải là lời nhắc nhở vĩnh viễn về khả năng xuất hiện của các loại virus mới với hậu quả tàn khốc”, người đứng đầu WHO cho biết.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua |
Theo thống kê từ Bộ Y tế, trong ngày 5/5, nước ta ghi nhận 3.339 ca mắc mới COVID-19 (tăng hơn 1.000 ca so với ngày trước đó). Như vậy, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, số ca COVID-19 giảm xuống còn hơn 1.000 ca/ngày thì trong 2 ngày 4 - 5/5 số ca mắc đã tăng mạnh trở lại vượt mốc 3.000 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.571.127 ca nhiễm, đứng thứ 13/231quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.935 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, trong ngày có 997 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.625.838 ca.
Ngoài ra, hiện cả nước có 161 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 106 ca thở ô xy qua mặt nạ, 13 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn và 41 ca thở máy xâm lấn.
Trong ngày 5/5 ghi nhận 1 ca tử vong tại Hải Dương. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.196 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với Châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ Châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.266.588 liều, trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.637.149 liều; Tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.663.896 liều.