Chuyên gia tư vấn chọn thực phẩm cân bằng dinh dưỡng cho gia đình
Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dự án gây ấn tượng tại chung kết cuộc thi đổi mới sáng tạo ngành Công nghệ thực phẩm Chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại quận Hai Bà Trưng |
Tham dự chương trình giao lưu trực tuyến có các vị đại biểu là lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô, đại diện đơn vị tài trợ và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Cùng tham gia chương trình còn có các cán bộ, hội viên phụ nữ tới từ Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân.
Chương trình được phát trực tiếp trên các nền tảng Youtube Báo Phụ nữ Thủ đô, Fanpage Hội LHPN Hà Nội, fanpage Báo Phụ nữ Thủ đô.
Bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô phát biểu khai mạc chương trình |
Phát biểu khai mạc toạ đàm, bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết: Trong văn hóa truyền thống Việt, bữa cơm gia đình là một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của mỗi người, nuôi dưỡng cả về thể chất lẫn tinh thần. Bữa cơm gia đình góp phần gắn kết tình cảm yêu thương, hình thành nền nếp gia phong trong mỗi nếp nhà.
Trong xã hội truyền thống, bữa cơm gia đình còn là nơi dạy trẻ lễ nghĩa “kính già yêu trẻ”, là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… đối với cách ứng xử của các thành viên trong gia đình. Trong xã hội thời hiện đại, khi sức ép của công việc, của những mối quan hệ xã hội gia tăng, bữa cơm gia đình có phần mai một. Điều này cũng khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên gia đình trở nên lỏng lẻo dần.
Vì thế, để duy trì bữa cơm gia đình, từ đó tạo sự gắn kết tình cảm bền chặt giữa các thành viên gia đình, nhiều năm nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đều lấy chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam hàng năm là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
Thông qua chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để nhắc nhở tất cả mọi người duy trì bữa cơm như một cách để thắp lửa cho tổ ấm của mình. Hãy trân trọng hơn những giây phút sum họp bên bữa cơm đầm ấm và hạnh phúc của gia đình. Việc chăm chút và duy trì bữa cơm gia đình chính là cách để giữ gìn hạnh phúc, mái ấm và giữ gìn nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, trân trọng, bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.
Quang cảnh buổi toạ đàm |
Trong cuộc sống hiện đại, thực phẩm công nghiệp, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh đang chiếm lĩnh các bữa cơm gia đình, cũng như trở thành trào lưu phổ biến của giới trẻ. Điều này đã dẫn tới hệ lụy tỷ lệ thừa cân, béo phì, đái tháo đường tăng cao đối với người Việt, đặc biệt là đối tượng trẻ em.
Nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì ở trẻ em là ăn thừa chất đạm, thiếu vi chất dinh dưỡng, ăn thức ăn nhanh, thức ăn chế biểu sẵn, thực phẩm nhiều đường… Cùng với đó là quan niệm sai lầm của các gia đình hiện nay đối với trẻ mầm non là là thích trẻ bụ bẫm nên luôn cho trẻ em thừa dinh dưỡng. Hậu quả của việc thừa cân, béo phì là nảy sinh các bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch…
Vì vậy, làm thế nào để lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình là điều được mọi người quan tâm. Nhịp sống của vùng nông thôn, miền núi, thành thị cũng là yếu tố chi phối chất lượng của các bữa cơm gia đình, cũng như việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn phù hợp.
Làm thế để việc vào bếp chế biến bữa cơm gia đình không chỉ là vai trò, nhiệm vụ của người phụ nữ mà còn là niềm yêu thích của nam giới, là sự chia sẻ đầy trách nhiệm của các thành viên gia đình dành cho nhau thể hiện bằng những món ăn yêu thích, đầy đủ chất dinh dưỡng? Đây chính là mục đích mà Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến “Lựa chọn thực phẩm, bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho gia đình”.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ về sự cần thiết của dinh dưỡng với sức khỏe |
Tại chương trình giao lưu, dưới góc nhìn, sự phân tích, tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành như: PGS, TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; BS Đỗ Nam Khánh - Uỷ viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Kết nối và phát triển cộng đồng Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam; TS, BS Chu Thị Tuyết - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Hữu Nghị Việt Xô đã mang đến cho bạn đọc của Báo Phụ nữ Thủ đô có thêm nhiều kiến thức hiểu biết về việc lựa chọn thực phẩm sao cho đúng khi chuẩn bị bữa ăn gia đình. Để từ đó, chúng ta có thể chế biến những mâm cơm gia đình chất lượng bằng các món ăn đủ chất dinh dưỡng, từ những thực phẩm sạch, đảm bảo.
Khán giả đặt câu hỏi giao lưu |
PGS, TS Nguyễn Thị Lâm cho biết: Chúng ta cần lựa chọn sạch, an toàn, chế biến cân đối chất bột đường, đạm, đủ rau xanh, quả chín. Viện Dinh dưỡng có tháp dinh dưỡng cho các nhóm tuổi khác nhau từ trẻ em, học sinh tiểu học, lứa tuổi thành niên, người cao tuổi... ứng dụng cho mỗi người mỗi ngày.
Ví dụ người trưởng thành ăn 3-4 phần rau, quả chín, đa dạng các loại đạm thịt cá, cá sữa, đậu phụ, rau 2 -3 loại rau mỗi bữa ăn. Chế biến món ăn cũng tuỳ thuộc vào từng lứa tuổi cho phù hợp. Các bé nhu cầu cao hơn thì có thể ăn món rán với lượng vừa phải, còn người cao tuổi hạn chế món rán, nên ăn nhiều các món ăn luộc hấp giảm chất béo chuyển hoá trong các món rán để dự phòng bệnh lý cao như tăng huyết áp, tiểu đường. Các món ăn đơn giản như mì ăn liền thì chọn sản phẩm chế biến sẵn đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm ra thị trường, đồng thời nên ăn mì kèm rau xanh, có chất đạm… đầy đủ cân đối.
TS, BS Chu Thị Tuyết - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Hữu Nghị trả lời câu hỏi giao lưu |
Với những chế độ ăn kiêng, các chuyên gia đều cho rằng mỗi phương pháp có những ưu và nhược điểm khác nhau. Người ăn kiêng cần lắng nghe cơ thể để lựa chọn những kiểu ăn phù hợp cho mình.
Chẳng hạn ở chế độ ăn giảm tinh bột, với 70% lượng chất béo sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng gánh nặng cho gan thận, cũng gây hại cho sức khoẻ đồng thời kéo theo nhiều tác dụng phụ như hay quên, giảm tập trung. Còn với chế độ ăn uống nguyên thuỷ thì cần chú ý thực phẩm phải đảm bảo sạch và tươi ngon.
Bên cạnh việc giảm tổng năng lượng đưa vào cơ thể, chúng ta cần đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể và có những bài tập phù hợp với từng cá thể.