Chuyện “đàn em Vệ út” cảm tử của Hà Nội 60 ngày đêm
Hà Nội gặp mặt đại biểu lực lượng tham gia giải phóng Thủ đô 70 năm Giải phóng Thủ đô qua góc nhìn tự hào của người trẻ Những tác phẩm nổi tiếng trong "Hà Nội sức sống và niềm tin" |
“Chiếc điện thoại sống” của Trung đoàn Thủ đô
Cái đói của năm 1945 đã đẩy những đứa trẻ phiêu bạt trên đất Hà Nội về tụ ở xóm lao động nghèo Phúc Tân, Phúc Xá ven bãi Long Biên cạnh sông Hồng. Những đứa trẻ ở đó có đứa mồ côi cha, đứa mồ côi mẹ, dùng việc bán bánh mì hay đánh giày lang thang để kiếm sống. Chính cái xóm nghèo bãi Phúc Tân ngày ấy trở thành mái nhà đầu tiên của rất nhiều Vệ út như Trung tá Phùng Đệ, chiến sỹ Đặng Văn Tích.
Ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bãi Phúc Tây cháy rực, sáng một vùng trời, nhiều người lặng lẽ tản cư khắp các nơi. Song, những đứa trẻ tìm cách “trốn” ở lại, cùng đoàn quân chiến đấu, “giam chân” địch 60 ngày đêm ở Hà Nội. Ông Đặng Văn Tích, khi ấy 13 tuổi, một trong những vệ út đầu tiên làm liên lạc Liên khu I, kể lại: “Khi Bác Hồ ra lời kêu gọi là bất kỳ người già, trẻ, gái, trai đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp chúng tôi chỉ muốn tham gia vào quân đội để trả thù đứa dám đốt nhà mình”.
Chân dung ông Phùng Đệ - một Vệ út của Trung đoàn Thủ đô. (Ảnh: Khánh Linh) |
Nhớ lại những đêm kinh hoàng, Trung tá Phùng Đệ (92 tuổi, Q.Ba Đình, Hà Nội) bồi hồi: “Mồi côi cả cha lẫn mẹ khi mới 12 rồi sống cùng bác ở bãi Phúc Tân, tôi chứng kiến thảm sát ở Hàng Bún, Tây cướp bóc nhân dân. Nỗi đau và sự căm phẫn với thực dân Pháp ghim chặt trong tim, thấy anh Tự vệ đào hào, tôi cũng nhảy xuống làm cùng, xin đi chiến đấu cùng các anh. Thế là, có 175 em nhỏ ở Hà Nội trở thành Vệ út”.
Mỗi Đại đội của Trung đoàn Thủ đô có hơn 10 Vệ út. Những chiến sĩ quân cảm tử nhí trở thành “điện thoại sống” với nhiệm vụ liên lạc, đưa công văn giấy tờ, truyền tin, mật khẩu, mệnh lệnh chiến đấu, tiếp tế cứu thương… Những lúc tạm ngưng tiếng súng, những Vệ út trở thành ca sĩ nhỏ cất cao tiếng hát và múa vui trên chiến hào, cổ vũ tinh thần các Vệ quốc quân.
Vì dáng người nhỏ con nên những Vệ út ngày ấy như sóc nhỏ luồn lách, leo trèo từng nhà trên phố cổ, cố gắng kiếm thông tin địch về cho Trung đoàn. “Chúng tôi truyền tin từ Trung đội, đại đội, trung đoàn, mỗi ngày một khẩu lệnh riêng để tránh cho Việt gian trà trộn vào, như anh này “Quyết” anh kia “Thắng”, ai đọc sai tôi báo chỉ huy bắt giữ” - Ông Đệ chia sẻ.
Khi kháng chiến bắt đầu, toàn bộ đồ đạc, xoong nồi, cột điện được ném ra ngoài đường để chặn đường đi của địch, nhà này còn đập thông nhà kia để quân ta tiện di chuyển. Sinh ra và bươn chải những khu phố đấy, những đứa như ông Tích, ông Đệ thuộc làu làu từng ngách vách, bức tường. Mỗi đêm giữa màn mưa đạn của ta và địch, các em như con thoi trong đêm tối, truyền tin đến các điểm đóng quân của ta.
Những đêm rét mướt mùa đông, họ ôm nhau ngủ trên chiếc giường đẹp nhất mà anh chị đoàn Vệ quốc nhường. “Ở cùng anh chị rất thích, hoàn thành nhiệm vụ, khi về được anh chị rửa chân, bế, cõng lên giường ngủ. Có hôm chúng tôi được các chị nấu chè cho ăn, các anh thì cho đồ chơi” - Ông Tích kể lại.
Trung đội “Vệ út Quyết tử” tại trường thiếu sinh quân Sư Đoàn quân tiên phong 308. (Ảnh: Sưu tầm) |
Những đứa trẻ liên lạc ấy thân nhau như gia đình. Ông Tích nhớ nhất là cậu bé Trần Văn Lai, 12 tuổi, cùng liên khu với ông. Hôm ấy, Pháp tập trung quân đánh chiếm Trường Ke ở ngay đầu phố Ô Quan Chưởng. Sau nhiều giờ chiến đấu, dù đơn vị đẩy lùi được nhiều đợt tiến công của địch, nhiệm vụ chưa hoàn thành. Thấy vậy, em Trần Văn Lai tụt theo đường ống về báo cáo ban chỉ huy xin tiếp viện, khi trở lại đường cũ Lai bị địch phát hiện. Chưa kịp leo lên gác thì Lai trúng đạn, hy sinh. “Nhờ sự dũng cảm của em, ta kịp thời cử lực lượng chi viện mà Trường Ke được bảo vệ, cũng mà mồi lửa dâng cao lòng căm thù giặc trong lòng những đứa trẻ chúng tôi” - Ông Tích tâm sự.
Với những vũ khí thô sơ, lực lượng chênh lệch, nhưng ta cầm chân và tiêu hao quân Pháp trong hai tháng, một kỳ tích của đội quân quyết tử. Ông Tích khẳng định, 60 ngày đêm ấy, các Vệ út vừa là chú bé liên lạc, vừa là những tấm bia sống bất chấp hiểm nguy.
Ký ức ngày trở về cùng đoàn quân chiến thắng
Đến đầu tháng 2/1947, Trung đoàn Thủ đô được lệnh ra ngoài nội thành để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài, để lại một lực lượng nhất định để chiến đấu trong nội thành, số còn lại rút về hậu phương. Những Vệ út buộc phải rút ra nhưng có nhiều em nhỏ không tuân lệnh, trốn trong tủ, dưới gầm giường, trên nóc nhà.. để không bị phát hiện lúc điểm quân sốc chỉ với nguyện vọng được ở lại quyết giữ Thủ đô.
Những Vệ út “trốn lệnh” ấy sau trở thành những người dân đường đưa cán bộ, chiến sĩ rút khỏi Hà Nội an toàn, cùng các anh lên Việt Bắc. Ông Đặng Văn Tích khẳng khái “Biết là hành động vi phạm kỷ luật, nhưng vì tinh thần yêu nước và cũng biết các anh các chị thương nên chúng tôi vẫn làm. Rất mừng là cấp trên không kỷ luật và vẫn tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp theo”.
Sống những ngày bữa nhịn bữa đói, nhưng những cô bé, cậu bé Thủ đô vẫn quyết tâm theo các anh lên Việt Bắc. Ông Tích bồi hồi kể: “Lên đến Thái Nguyên phía trên không nhận em nhỏ, báo cho về với gia đình, chúng tôi quyết không về, nằm lì một chỗ, các anh lại thương cắt bớt phần người lớn chia cho.”
Đóng quân tại đây, các Vệ Út được tổ chức lại: Những người đủ 15 tuổi thì được bổ sung vào các đơn vị chiến đấu, người 14 được tổ chức thành trung đội võ trang, dưới 14 thì được vào đội tuyên truyền sau gọi là Đội tuyên - văn. Người chữ đẹp như ông Tích thì được viết điều lệ Đảng, còn ông Đệ thì phục vụ ca hát kịch. Ông Đệ cùng các bạn Lê Ngọc Canh, Trần Việt Minh, Nguyễn Ngọc Sơn … phục vụ bộ đội ngay cả khi đi các chiến dịch sông Lô, sông Thao.
Đến ngày tiếng súng vang giòn và cờ ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ - Cát là lúc toàn quân và những em Vệ út được hát vang khúc Quốc ca hùng tráng giữa núi rừng Điện Biên sau đó trở về giải phóng Thủ đô. “Từ Điện Biên Phủ về Hà Nội mà vừa đi vừa đánh giặc, lúc nào nhớ Hà Nội quá anh em toàn động viên nhau nốt trận này ta về đến quê hương” - Ông Tích chia sẻ thêm.
Ngày ra đi cả đoàn người lặng lẽ với lời hẹn chiến thắng ngày trở về, nhất định đánh tan giặc Pháp, đặt chân trở lại mảnh đất quê hương, những người con như ông Tích hay ông Đệ xúc động và bồi hồi không thể tả. Nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên tung bay trên nền trời xanh thẳm, cả đoàn quân sung sướng tự hào vì lòng đoàn kết của quân và dân Hà Nội, vì độc lập tự do sau 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Chiến sỹ Đặng Văn Tích hàng ngày luôn lật giở những tài liệu về ngày giải phóng Thủ đô năm xưa. (Ảnh: Khánh Linh) |
“Khi đường phố rộn ràng cờ hoa, dân reo hò hoan hô đoàn quân chiến thắng, chúng tôi đi đến đâu lòng rộn ràng phấn khởi đến đấy. Tôi nhớ về sân Cột cờ, có các khối bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin… các hiến sĩ được mặc trang phục mới tinh, người dân cũng ăn mặc chỉnh tề, các cô gái các em thiếu nhi tay cầm cờ hoa tạo ra một khung cảnh tuyệt đẹp mà đời tôi chắc chắn không bao giờ quên.” - Trung tá Phùng Đệ kể. Còn ông Tích, khi đứng trên vọng gác nhà hát Hồ Gươm nhìn về phía rạp phim Cách mạng tháng 8 lòng tự hào và xúc động đan xen, cùng với hy vọng về ngày thống nhất đất nước.
Năm tháng trôi qua, mỗi Vệ út ngày ấy một nhiệm vụ riêng, song khi mỗi năm họ đều cùng nhau tụ họp để ôn lại ngày chiến thắng. “Cứ đến dịp thu, chúng tôi không thể quên mùa đông rét mướt năm 46, mùa mà nhiều thử thách buộc ta vào tình huống ngàn cân treo sợi tóc nhưng sự phát triển hôm nay đã là minh chứng cho những hy sinh ngày ấy.” - Ông Đặng Văn Tích chia sẻ.
Mỗi Vệ út của đoàn quân cảm tử là nhân chứng cho một Việt Nam anh hùng và trong mỗi ngôi nhà Hà Nội hôm nay, câu chuyện về những bé Vệ út vẫn là ánh sáng soi rọi lý tưởng sống cho thế hệ sau.