Chương trình OCOP Hà Nội: Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển
Đạt mục tiêu năm 2020, Hà Nội có 1.024 sản phẩm OCOP
Thời gian qua, Chương trình OCOP trên địa bàn nhận được sự quan tâm từ nhiều cơ quan, đơn vị Trung ương cũng như thành phố; Sự nỗ lực của các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân. Trong đó, công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm được triển khai kịp thời, thường xuyên đã giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP từng bước được nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền (thứ ba từ phải sang) thăm gian hàng OCOP được tổ chức bên lề Hội nghị Công bố quyết định, chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2020 và tổng kết thực hiện chương trình OCOP |
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình xác định 6 nhóm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chương trình OCOP Hà Nội lớn nhất trong tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn tăng trưởng 4,2% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Điều đó đã đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống nông dân. Riêng với chương trình OCOP, Hà Nội đặt ra đến hết năm 2020 có 1.024 sản phẩm OCOP. Đây là mục tiêu rất lớn nhưng đến thời điểm này, cơ bản Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tổng kết kết quả triển khai chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chu Phú Mỹ chia sẻ: “Xác định việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng rất quan trọng, thành phố đã tổ chức hai cuộc xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, các sản phẩm được giới thiệu tại các hội chợ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Đắc Lắk. Thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế”.
Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; Lồng ghép, tổ chức hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương cấp thành phố; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế nhằm quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu nhà phân phối, mở rộng thị trường, xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP.
Từ những thành công bước đầu và những mục tiêu, giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới, nhiều chủ thể đã đặt kỳ vọng năm 2021 sẽ tiêu thụ được nhiều sản phẩm OCOP; Là năm khởi sắc đối với xuất khẩu sản phẩm OCOP của Thủ đô cũng như trên cả nước, góp phần đưa các sản phẩm OCOP của nước ta đứng vững và tiêu thụ được ra thị trường thế giới trong những năm tiếp theo.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết: “Khi mới bắt tay thực hiện chương trình, địa phương cũng rất lúng túng. Tuy nhiên, huyện đã được thành phố tạo điều kiện cho đi học tập kinh nghiệm tại các huyện Đông Anh và Gia Lâm - những địa phương tiên phong thực hiện và đã có kết quả tốt. Qua đó, các nội dung liên quan đến Chương trình OCOP của huyện đã được thực hiện bài bản hơn. Nổi tiếng là “đất trăm nghề”, hiện nay Thạch Thất đã trở thành một trong những huyện có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất của Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện của một số quận, huyện còn lúng túng. Việc triển khai các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về thực hiện Chương trình OCOP bước đầu còn hạn chế, chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia.
Công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; Chưa tập trung khai thác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại trên các mạng xã hội để đưa sản phẩm OCOP Thủ đô đến được với đông đảo khách hàng hơn”.
: Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí (thứ ba từ trái sang) tham quan các sản phẩm OCOP 4 sao hoa lan trưng bày tại triển lãm OCOP |
Nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công nhờ OCOP
Cũng trong năm 2020, với mong muốn hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn các huyện của Thủ đô khai thác tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm nông sản địa phương, đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp với OCOP, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các Huyện đoàn tổ chức nhiều buổi tọa đàm với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp với chương trình OCOP TP Hà Nội”.
Thông qua chương trình OCOP, nhiều cơ sở Đoàn cũng như các đoàn viên thanh niên đã phát huy tiềm năng lợi thế về sản phẩm đặc trưng của địa phương, cùng với khả năng sáng tạo của tuổi trẻ đã góp phần nâng cao giá trị, đưa sản phẩm làng nghề đến với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.
Tham gia buổi tọa đàm, anh Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Bí thư Đoàn xã Kim Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Nhiều thắc mắc của tôi về chương trình OCOP đã “vỡ” ra. Quả thật, OCOP đã truyền lửa cho các đoàn viên, thanh niên trong khởi nghiệp. Quê hương Kim Lan của tôi có làng nghề gốm sứ lâu đời, nếu có sản phẩm đạt OCOP, chủ thể tham gia chương trình sẽ phát huy được năng lực, tăng tính chủ động, sáng tạo. Chương trình OCOP cũng hướng đến sản phẩm mới, công nghệ cao, nâng cao giá trị, hỗ trợ tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chúng tôi có thể vay vốn theo cơ chế chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”.
Hà Nội có tiềm năng để phát triển Chương trình OCOP |
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn Hà Nội chia sẻ: “Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của tuổi trẻ Thủ đô và tinh thần xung kích sáng tạo, các cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai hỗ trợ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã có sản phẩm tham gia chương trình đánh giá sản phẩm OCOP năm 2020.
Thành đoàn Hà Nội đã bám sát Bộ tiêu chí chấm điểm thi đua công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi năm 2020 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm cơ sở triển khai chương trình sản phẩm OCOP đến các cơ sở trực thuộc.
Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tới đoàn viên, thanh niên về chủ trương, chính sách về chương trình sản phẩm OCOP; Tổ chức lồng ghép tập huấn trong các chuyên đề từ cấp thành phố đến cơ sở…”.
Ông Nguyễn Văn Chí cũng đã nhấn mạnh vai trò của một số tổ chức Đoàn đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện sản phẩm để đạt tiêu chí sản phẩm OCOP.
Tiêu biểu như: Đoàn Thanh niên xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) đã hỗ trợ mô hình sản phẩm giò chả của chủ thể Nguyễn Doãn Hợi (sinh năm 1984, tại xóm 6, thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn). Cơ sở sản xuất có 6 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận OCOP theo Quyết định số 813/QĐ-UBND ngày 19/2/2020 của UBND TP Hà Nội gồm: Chả sụn, giò lụa, giò tai, xúc xích, chả hạt lựu, giò xào tai lưỡi. Đoàn Thanh niên xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) lại hỗ trợ tốt cho mô hình sản phẩm miến dong của anh Dương Đình Khôi (sinh năm 1971, tại thôn 4, xã Tân Hòa) sản phẩm OCOP 4 sao. Đoàn Thanh niên xã An Khánh (huyện Thường Tín) đã thực hiện tốt việc hỗ trợ mô hình sản phẩm bột rau củ sấy lạnh GIHO của chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1988)…
Sự phát triển của các huyện Nông thôn mới của Thủ đô trong tương lai rất cần sự xung kính sáng tạo của các bạn trẻ - những người tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp với các sản phẩm quê nhà. Đặc biệt, các bạn thanh niên phải tự đặt quyết tâm biến những điều khó khăn thành thuận lợi, biến sản phẩm nông sản quê nhà thành những sản phẩm OCOP có thương hiệu, xuất khẩu ra thị trường quốc tế... Qua đó, đoàn viên, thanh niên tự làm chủ về kinh tế và góp phần xây dựng quê hương thành nơi đáng sống.