Chế độ dinh dưỡng cho người thiếu máu do thiếu sắt
50% trẻ em Việt bị thiếu máu vì thói quen hay gặp Gần 40% phụ nữ Việt trong tuổi sinh đẻ thiếu máu Chế độ ăn uống cho người thiếu máu não Việt Nam trong nhóm 26 nước thiếu i ốt và vi chất dinh dưỡng |
Thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe
Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì những nguyên nhân khác nhau.
Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã làm ảnh hưởng đến các chức năng khác, như hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức.
Sắt là một khoáng chất quan trọng được cơ thể chúng ta sử dụng để hình thành các tế bào hồng cầu và cung cấp oxy đi khắp cơ thể; thiếu sắt gây mệt mỏi, khó thở, đau đầu, chóng mặt, khó tập trung và dẫn đến bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Chế độ ăn không đầy đủ chất sắt dễ gây thiếu máu. |
Theo BSCKII Nguyễn Thị Thảo, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh.
Về lâu dài, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là phụ nữ có thai. Do đó, mọi người cần nhận biết những dấu hiệu sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt là cần có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Cụ thể: Mọi người cần ăn đa dạng và đảm bảo ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, bao gồm chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng.
Các bà nội trợ nên sử dụng đa dạng các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn của gia đình cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thụ các chất dinh dưỡng, trong đó có sắt.
Trong bữa ăn hàng ngày, chúng ta cần bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt. Thực phẩm có nguồn gốc động vật có hàm lượng sắt cao nhất như: thịt bò, thịt gà, gan động vật, trứng, ngao, sò, hàu, sữa…
Thực phẩm thực vật chứa sắt bao gồm: các loại đậu, đậu lăng, đậu phụ, khoai tây, hạt điều, các loại rau có lá màu xanh đậm, ngũ cốc nhiều cám, trái cây khô…
Tuy nhiên, chất sắt trong thực phẩm có nguồn gốc động vật (thường được gọi là sắt heme) là dạng sắt tốt nhất, vì nó được cơ thể dễ dàng hấp thụ. Còn sắt chủ yếu có trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như ngũ cốc và rau (sắt không phải heme) được hấp thụ kém hiệu quả hơn nhiều so với sắt heme.
Ngoài ra, mọi người cần tăng cường ăn rau xanh và các loại quả tươi giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn; lưu ý không nên uống nước trà đặc quá gần bữa ăn, chỉ nên uống cách sau bữa ăn từ 2 giờ trở đi vì chất tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thụ sắt.
Không chỉ giúp tăng cường miễn dịch, vitamin C còn được chứng minh là giúp tăng cường hấp thụ sắt. Nó thu giữ sắt không phải heme và lưu trữ ở dạng cơ thể bạn dễ hấp thụ hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy, uống vitamin C trong bữa ăn làm tăng khả năng hấp thụ sắt lên 67%.
Do đó, khi uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu sắt, bạn nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C để giúp tăng cường hấp thu sắt như: Trái cây họ cam quýt, rau lá xanh đậm, ớt chuông, dưa, dâu tây, chuối, xoài...
Đối với người ăn chay (một trong những đối tượng có nguy cơ cao thiếu sắt), việc hấp thụ sắt có thể được tối ưu hóa bằng cách cách tăng cường các loại rau quả chứa nhiều vitamin C trong bữa ăn hàng ngày.
Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh thiếu máu dinh dưỡng không đơn thuần là thiếu sắt mà thường thiếu cùng các vi chất khác, điển hình là kẽm. Chính vì vậy, để giúp giúp dự phòng nguy cơ thiếu máu, ngoài đảm bảo đủ lượng sắt, mọi người bổ sung đủ kẽm trong bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là ở em.
Thực phẩm giàu kẽm bao gồm: thịt đỏ, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, hàu, sò, cua, cà rốt, đậu nành, giá đỗ, đậu Hà Lan…
Cách chế biến những món ăn giàu sắt đảm bảo an toàn thực phẩm
Tuy nhiên, các loại thực phẩm giàu chất sắt như hải sản, trong quá trình chế biến, người dân cần chú ý đến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chị Nguyễn Thanh Yến (quận Ba Đình) chia sẻ: "Tôi đang mang thai nhưng đi khám định kỳ cơ thể lại thiếu sắt rất ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Được biết, những món ăn nhiều sắt là các loại thịt có màu đỏ, tim, gan, thịt gia cầm, cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng…
Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn cách chế biến các loại thực phẩm này ra sao để không làm mất chất và vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các thông tin về ăn nhiều cá, hải sản có chứa thuỷ ngân hay ăn nhiều thịt đỏ có nguy cơ mắc nhiều bệnh khiến tôi rất lo lắng".
Hải sản là nguồn cung cấp chất sắt và nhiều vi chất dinh dưỡng |
Bác sĩ Trương Thị Vân, Nguyên trưởng khoa Sản, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội: Bổ sung vitamin và khoáng chất đúng cách trong thời gian mang thai giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, đồng thời mẹ tránh được một số nguy cơ gây bệnh. Mỗi loại sẽ có nhiệm vụ khác nhau.
Sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin, chất có vai trò chính trong việc vận chuyển oxy cho cơ thể mẹ và thai nhi. Thực phẩm luôn là nguồn bổ sung sắt an toàn và phong phú nhất cho các mẹ bầu.
Trong đó, sắt có nguồn gốc động vật hấp thu tốt hơn sắt có nguồn gốc thực vật. Các bà bầu có thể bổ sung thịt bò, thịt gia cầm, cá đừng bỏ qua hải sản như nghêu, hàu, sò… để cung cấp chất sắt; tuy nhiên nên ăn luân phiên trong tuần mỗi món 2 - 3 bữa.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tránh ăn cá ngừ, cá mập, cá thu, cá kình, cá kiếm. Thay vào đó, các bà bầu có thể lựa chọn tôm, cá hồi, cá cơm, cá rô phi, cá minh thái, những loại thực phẩm này đã được kiểm định chứa hàm lượng thủy ngân nhỏ, không gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai.
Thủy ngân là một kim loại dạng lỏng, thường có mặt trong các loại hải sản. Nếu hàm lượng thủy ngân quá cao có thể trở thành chất độc gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
Để đảm bảo an toàn trong thai kỳ cần lựa chọn và chế biến thực phẩm kĩ càng. Thịt có màu đỏ, hải sản chưa nấu chín có thể nguy hiểm. Hầu hết các ký sinh trùng và vi khuẩn có hại bị tiêu diệt trong quá trình nấu chín.
Việc bảo quản đông lạnh lâu là nguyên nhân chính dẫn đến hải sản bị biến đổi thành phần dinh dưỡng, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây hại cho sức khỏe của mẹ. Do đó, tốt nhất các mẹ bầu nên ăn hải sản tươi để đảm bảo chất dinh dưỡng.