Cảnh giác với các biểu hiện sốt, phát ban phỏng nước ở trẻ
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện niêm mạc miệng của trẻ tổn thương loét có ranh giới rõ, vòm dày, hình oval và tròn, phân bổ ở nhiều vị trí tại thành sau họng.
Các nốt ban phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối, tổn thương bội nhiễm có mủ; không ghi nhận giật mình trong lúc khám.
Các vết phỏng nước dấu hiệu của bệnh tay chân miệng ở trẻ em |
Các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ là tay chân miệng độ 1 bội nhiễm. Bởi bệnh nhi N được chỉ định làm các xét nghiệm tổng phân tích máu, CRP, glucose, điện giải đồ, test nhanh EBV-IgM, PCR- EV71. Kết quả test nhanh âm tính với virus EV71, tuy nhiên, xét nghiệm PCR lại cho kết quả dương tính với virusEV71.
Dựa trên kết quả lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 1 kèm bội nhiễm do virus EV71. Bác sĩ đã kê đơn thuốc điều trị, dặn dò tái khám hằng ngày và theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm.
ThS.BS. Trần Thị Kim Ngọc, Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC số 2 cho biết: Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, lây từ người sang người chủ yếu theo đường tiêu hóa, dễ gây thành dịch. Bệnh xảy ra quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ dưới 5 tuổi chiếm đa số.
Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A6, A10, A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường gây ra tổn thương trên da, niêm mạc, đặc biệt là các vết phỏng nước xuất hiện ở những vị trí như: miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối. Những tổn thương này thường rất dễ nhận diện và là dấu hiệu điển hình của bệnh.
Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, tay chân miệng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như: viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, việc theo dõi các giai đoạn phát triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh là rất quan trọng. Điều này giúp cha mẹ không chỉ nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường mà còn biết cách chăm sóc và xử lý kịp thời khi cần thiết.
Bệnh tay chân miệng phát triển qua 4 giai đoạn: Giai đoạn ủ bệnh; Giai đoạn khởi phát (1 - 2 ngày); Giai đoạn toàn phát (3 -10 ngày); Giai đoạn lui bệnh.
Trong đó, biến chứng xảy ra ở giai đoạn toàn phát ứng với ngày thứ 3 trở ra của bệnh. Tình trạng nguy kịch có thể xảy ra ở giai đoạn này.