Không đảm bảo ATTP, tạm dừng hoạt động cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh
Khu vực bếp xuống cấp nghiêm trọng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Thực hiện Quyết định số 6284/QĐ-UBND ngày 5/12/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác An toàn thực phẩm Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP đã kiểm tra tại cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (số 11 Hàng Than, quận Ba Đình).
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP đã kiểm tra tại cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh |
Qua kiểm tra đột xuất thực tế tại cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh hiện cơ sở có 5 nhân công lao động sản xuất và 1 chủ cơ sở.
Tuy nhiên chủ cơ sở chưa xuất trình giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và 5 người lao động; hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Đáng lo ngại hơn, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt, khu vực sản xuất chung với khu vực sinh hoạt của gia đình; không có khu vực đóng gói, dán nhãn sản phẩm.
Khu vực cơ sở sản xuất xuống cấp nghiêm trọng |
Tường trần nền khu vực sản xuất ẩm mốc, rạn nứt, bong tróc, xuống cấp toàn bộ; cống rãnh khu vực sản xuất hở, ứ đọng nước rác. Trong khu sản xuất có 1 nhà vệ sinh và các khu vực sinh hoạt của gia đình tiềm ẩn nguy cơ lây chéo.
Khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên; quần áo tư trang phơi giặt trong khu vực sản xuất. Người lao động không có trang phục bảo hộ riêng, dụng cụ sơ chế, sản xuất chuyên dụng.
Cơ sở cũng không trang bị dụng cụ phòng chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên đối với trang thiết bị dụng cụ để sản xuất thực phẩm.
Cống rãnh khu vực sản xuất hở, ứ đọng nước rác |
Việc bảo quản thực phẩm cũng không có khu vực bảo quản riêng bao bì, nguyên liệu và thành phẩm; khu vực bảo quản không có giá kệ, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên.
Trong công tác kiểm tra, đoàn cũng lưu ý nhắc nhở cơ sở về ghi nhãn sản phẩm chưa phù hợp với bản tự công bố sản phẩm, chưa phù hợp với các quy định về ghi nhãn hạn sử dụng hàng hóa.
Việc bảo quản thực phẩm cũng không có khu vực bảo quản riêng bao bì, nguyên liệu và thành phẩm |
Đoàn ghi nhận, khu vực sản xuất không bố trí một chiều, không phân khu riêng biệt, sắp xếp lộn xộn. Qua kiểm tra, đoàn yêu cầu cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh tạm dừng hoạt động. Đồng thời, Đoàn giao Ban chỉ đạo quận tiếp tục giám sát việc cơ sở tự khắc phục.
Tăng cường kiểm tra các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn quận Ba Đình
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Ba Đình, hiện trên địa bàn quận có hơn 3.631 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 3 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 7 chợ.
Thực hiện triển khai đồng bộ các Chỉ thị, Kế hoạch của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, quận Ba Đình đã tăng cường công tác ATTP dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội làm việc với UBND quận Ba Đình |
Tổng số đoàn kiểm tra trên địa bàn toàn quận 16 đoàn trong đó 3 đoàn tuyến quận; 13 đoàn kiểm tra tuyến phường.
Cụ thể, tuyến phường đã kiểm tra 210 cơ sở trên tổng số 1.102 cơ sở do phường quản lý, trong đó cơ sở đạt là 198 cơ sở (chiếm tỉ lệ 94,7%), xử phạt 12 cơ sở (chiếm tỉ lệ 5,3%).
Tuyến quận kiểm tra 54 cơ sở trên tổng số 2.039 cơ sở do tuyến quận quản lý, trong đó cơ sở đạt là 44 cơ sở (chiếm tỉ lệ 81,48%), xử phạt 10 cơ sở (chiếm tỉ lệ 18,52%).
Đoàn kiểm tra liên ngành lĩnh vực Y tế đã kiểm tra 22 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm 1 cơ sở với số tiền 8 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là thiếu điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, ghi nhãn thực phẩm không đúng quy định...
Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra và xử phạt 9 vụ với tổng tiền phạt hơn 91 triệu đồng, buộc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm trị giá hơn 37 triệu đồng.
Các hành vi chủ yếu: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu (hàng hóa là thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi); kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời hạn, địa điểm, địa bàn hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh rượu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng hóa là thực phẩm); không đăng ký thành lập hộ kinh doanh…
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết năm 2025, trong đó 3 đoàn do lãnh đạo các Sở: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương làm trưởng đoàn và 1 đoàn do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố làm trưởng đoàn.
Nội dung kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Tỵ và các lễ hội, như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống…
Theo đó, đoàn liên ngành số 1 của TP sẽ tiếp tục công tác thanh kiểm tra từ ngày 25/12/2024 đến 15/3/2025 để kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.