Bởi vì mùa thu tôi ở lại…
Mưa thu kỷ niệm |
Hà Nội trong trái tim
Với Hà Nội, trái tim của Việt Nam, Trịnh Công Sơn có một tình yêu đặc biệt. Những năm tháng chiến tranh, đất nước chia cắt làm hai miền, ông không có điều kiện đến với Hà Nội nhưng ông luôn có một khát vọng, điều đó được thể hiện trong ca khúc "Tôi sẽ đi thăm" đầy thiết tha: "Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm...".
Phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội |
Mãi đến năm 1977 Trịnh Công Sơn mới được đến Hà Nội, được chạm vào một mảnh đất cổ kính, linh thiêng. Ông đã thốt lên: "Hình như định mệnh buộc tôi chỉ có những mối tình với những người Hà Nội. Tôi thường nghĩ về Hà Nội rất nhiều. Nếu sau 1975 tôi được phép ra Hà Nội ngay, có lẽ tôi sẽ viết được nhiều bài về Hà Nội hơn nữa".
Cũng giống như nhiều người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vô cùng yêu thích mùa thu của Hà Nội. Chút heo may se lạnh, chút sương mờ lãng đãng trong mùi hoa sữa phảng phất bay... không có gì có thể Hà Nội hơn thế. Từng tiếng tơ lòng của người nhạc sĩ rung lên và Hà Nội có thêm những tác phẩm rất đẹp cho riêng mình.
Trịnh Công Sơn từng kể về hoàn cảnh ra đời của "Nhớ mùa thu Hà Nội": "Năm 1985, mình cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời thăm Liên Xô, khi trở về, mình ở lại Hà Nội luôn một tháng. Mỗi sáng, mình và Thái Bá Vân đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống bay lên. Thế là bài hát này ra đời".
"Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu. Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội. Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió, mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua. Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời".
Từng chữ từng lời trong bài hát như những nét vẽ để dưới bàn tay của Trịnh Công Sơn, Hà Nội hiện ra như một bức tranh với đầy đủ gam mầu và cảnh sắc rất riêng biệt. Chim sâm cầm, cây cơm nguội từ đó đã trở thành những hình ảnh gắn liền với Hà Nội mà nhiều người khi đến với mảnh đất này đều mong được nhìn thấy, được khám phá vẻ đẹp đã từng làm xao động tâm hồn người nhạc sĩ tài danh.
10 năm sau, tình yêu Hà Nội vẫn cồn cào, thao thiết trong ông để những thanh âm trong trẻo, nhẹ nhàng lại vang lên "Bởi vì mùa thu tôi ở lại... Hà Nội mùa thu Hà Nội gió. Xôn xao con đường xôn xao lá. Nhòe phố mong manh nhoè phố mưa. Chợt nắng long lanh chợt nắng thưa"... “Đoản khúc thu Hà Nội” qua giọng hát của ca sĩ Hà Nội Hồng Nhung tưởng chừng không gì Hà Nội hơn thế, nồng nàn và da diết hơn thế.
Nơi tình yêu đằm lại
Chính vì thế, con đường đẹp và lãng mạn vào bậc nhất Hà Nội được đặt theo tên người nhạc sĩ rất yêu mến mùa thu Hà Nội này. Đường này trước đây được người dân gọi là đường Sâm Cầm - nảy ý từ một câu “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi, màn sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” trong bài hát của Trịnh Công Sơn.
Trong kho tàng những bài hát về Hà Nội mùa thu, Trịnh Công Sơn tuy chỉ đóng góp hai bài: "Nhớ mùa thu Hà Nội" và "Đoản khúc thu Hà Nội" nhưng đó lại là những đóng góp vô giá.
Nhiều người đánh giá, lựa chọn con đường này để gắn với tên tuổi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một lựa chọn tối ưu, bởi mảnh đất Tây Hồ này rất đẹp. Đẹp từ mặt hồ đẹp vào ngõ phố. Mỗi ngõ nhỏ là ẩn chứa những bí mật cần khám phá, tìm hiểu.
Mặt khác, chính ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lần ra Hà Nội dự lễ đặt tên phố Trịnh Công Sơn cũng đã chia sẻ: “Chọn con đường lãng mạn gần Hồ Tây để mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho thấy sự tinh tế và tấm thịnh tình của người Hà Nội đối với anh Sơn. Không chỉ vì anh đã từng viết về hồ Tây, mà chính bởi con người anh Sơn luôn lãng mạn, thích gần gũi với cỏ cây sông nước, những khung cảnh bảng lảng khói sương... Gia đình tôi hết sức cảm kích về việc này”.
Theo ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội có nhiều điểm thú vị. Đó là con phố nhỏ nối hai đường Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói: “Trước kia, anh Sơn từng có giấc mơ làm một dự án với hình tượng quả trứng - biểu trưng cho cội nguồn của dân tộc nên những người nhớ anh hầu hết đều “giật mình” khi nhận ra sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy.
Nếu mọi người có dịp dạo bước trên con phố này, quan sát kỹ thì sẽ phát hiện ra một điểm thú vị nữa đó là chiếc cổng cổ ven đường ghi năm 1939. Đó là năm sinh của anh Sơn. Tôi thấy điều đó cảm động và thật tuyệt vời”.
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại Lạc Giao (cao nguyên miền Trung Việt Nam). Ông lớn lên ở Huế, tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Xứ Huế trầm mặc, bàng bạc đã tạo nên một Trịnh Công Sơn đầy nhậy cảm và tinh tế. Bởi vậy, ông đến với âm nhạc cũng là lẽ đương nhiên.
Trịnh Công Sơn tự học nhạc, bắt đầu sáng tác năm 1958 với tác phẩm đầu tay “Ướt mi” (NXB An Phú in năm 1959). Tác phẩm ngay lập tức được hưởng ứng nhiệt tình, và cho đến nay vẫn là một bài hát quen thuộc với nhiều người yêu nhạc. Cho đến khi rời bỏ "cõi tạm" để trở về với chốn vô thường, Trịnh Công Sơn đã để lại hơn 600 tác phẩm, chủ yếu ở ba chủ đề: Quê hương, Tình yêu và Thân phận.
Lời mỗi bài hát là một bài thơ, là một tiếng nói cảm thông, chia sẻ, là triết lí về cõi người, cõi đời, nhưng không hề buồn đau, bi luỵ. Vì vậy, nhạc Trịnh là thứ nhạc dành cho mọi lứa tuổi, đã nghe một lần là khó có thể quên được.
Chính vì thế, con phố Trịnh Công Sơn luôn luôn được đón chờ những người yêu mến ông, âm nhạc của ông, tâm hồn của ông và yêu mến mùa thu Hà Nội dạo bước tại đây. Đến đây, như một cách để tình yêu ấy đằm lại với mỗi người, để ta thấy cuộc sống còn rất nhiều điều thăng hoa.
Đặc biệt, mấy năm nay, phố Trịnh Công Sơn chính thức trở thành phố đi bộ thứ 2 của Hà Nội. Một không gian rộng lớn, thoáng đãng, thơ mộng để người dân tụ hội vào mỗi cuối tuần, tận hưởng cái đẹp của bầu trời, ẩm thực của Hà Nội, đắm chìm vào những nét văn hóa rất Hà Nội
Mỗi độ vào thu, khi đất trời giăng mắc một màu sương thương nhớ, dạo bước trên phố Trịnh Công Sơn, ngân nga trong lòng ca khúc mùa thu của ông cũng là một sự thú vị đầy chất Hà Nội.