Bệnh tình thêm nghiêm trọng vì "kiêng" đến bệnh viện dịp Tết
“Kiêng” đi viện đầu năm và những hậu quả khôn lường
Đêm 27 Tết năm trước, bà N.T.H (65 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) có dấu hiệu mệt mỏi, da xanh, môi tím, khó ăn uống và đi lại nhưng chồng bà nhất định không đưa vợ đi khám, vì lý do sợ “mất Tết". Chồng bà H cho rằng “cả năm mới có dịp Tết để sum vầy, sợ đi khám rồi bác sĩ bắt nhập viện”.
Cầm cự đến mùng 2, thấy sức khoẻ bà H ngày càng tiều tụy, ông và các con mới đưa bà đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh thiếu máu thiếu sắt nặng, chỉ số tiểu đường và mỡ máu cao gấp ba lần bình thường.
Ảnh minh họa |
Bác sĩ nói trường hợp bà H, nếu nhập viện kịp thời có thể chỉ cần nhận đơn thuốc về uống. Do đến viện muộn, sức khỏe suy yếu, các chỉ số đều ở mức nguy hiểm nên bà H buộc phải nhập viện điều trị biến chứng.
Đáng lo ngại, những xáo trộn trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cùng tâm lý “mải vui" trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán khiến không ít người mắc bệnh mạn tính lơ là theo dõi, kiểm soát bệnh.
“Chung sống hòa bình” 10 năm với căn bệnh viêm gan B mạn tính nhờ tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, chỉ vì tâm lý mải vui Tết đón Xuân, ông Nguyễn Xuân P. (45 tuổi, ở Hà Nội) lập tức phải nhập viện ngay đêm 30 Tết năm ngoái trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, vàng mắt, vàng da.
Nhớ như in cái Tết không trọn vẹn năm trước, ông P bộc bạch: “Tôi có tiền sử viêm gan B mạn tính đang điều trị thuốc kháng virus theo phác đồ 10 năm nay. Tuy nhiên, thời gian dài không thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh cùng tâm lý mải mê sắm sửa đón Tết, tôi chủ quan bỏ thuốc điều trị hơn 1 tháng và gặp hậu quả như vậy. Đây là bài học sâu sắc suýt mất công điều trị ngần ấy năm, vừa khiến cả gia đình tá hỏa trong ngày Tết sum vầy”.
Tuy nhiên, may mắn ông P đã đến bệnh viện sớm để điều trị trong khi đó, nhiều người mắc bệnh mạn tính dù đã thấy dấu hiệu của bệnh vẫn có tâm lý e ngại kiêng kỵ “xông đất” bệnh viện đầu năm.
Anh C.V.H (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Anh trai tôi vốn nghiện rượu và mắc bệnh xơ gan từ lâu. Trong những ngày Tết bệnh lại càng nặng thêm, vì uống rượu nhiều. Do kiêng không đi bệnh viện những ngày đầu năm, nên hôm mùng 4 Tết đưa vào viện, anh ấy đã trong tình trạng bị xuất huyết tiêu hóa nặng, bị hôn mê sâu và tình trạng sức khỏe rất xấu. Giá mà anh được đưa vào bệnh viện sớm hơn thì tình trạng đã không trầm trọng đến vậy”.
Những câu chuyện đáng buồn trên xuất phát từ tâm lý “kiêng” khám bệnh trong những ngày đầu xuân để tránh xui. Đây cũng là một trong những quan niệm dân gian đã không còn phù hợp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.
Chuyên gia cảnh báo và lời khuyên bảo vệ sức khỏe
Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu, thậm chí rơi vào trạng thái nguy kịch chỉ vì tâm lý “chờ hết Tết rồi tính sau”.
Nguy hiểm là vậy, nhưng với những người mắc bệnh mạn tính, Tết thường là khoảng thời gian "lơ là" việc uống thuốc và sinh hoạt theo quy định. Có bệnh nhân bỏ hẳn chế độ điều trị, đó chính là nguyên nhân gia tăng số bệnh đến khám và nhập viện sau mỗi dịp lễ Tết.
Không nên chì hoãn việc đi khám bệnh trong dịp Tết |
Thậm chí, không ít gia đình chuẩn bị sẵn kháng sinh trong nhà, cứ thấy hắt hơi, sổ mũi, đau họng hay bụng ậm ạch... là uống. Tình trạng “tự làm bác sĩ” kéo dài không chỉ khiến các triệu chứng không thuyên giảm mà còn tăng nguy cơ gây hại cho cơ thể.
Đưa ra nhận định về vấn đề này, TS.BS Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: “Việc kiêng kỵ ngày Tết khi có bệnh không đi khám là điều không nên, bởi khi bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến bệnh sẽ phức tạp không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị”.
Để tránh việc “hối hận thì đã muộn” do ngại đến bệnh viện, TS.BS Ngô Chí Cương khuyến cáo khi đau ốm, hoặc có bất thường sức khỏe, người bệnh không được tự ý dùng thuốc tại nhà, hay kiêng đến bệnh viện khám đầu năm vì sợ xui xẻo mà nên đến ngay cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị thích hợp, kịp thời, tránh những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ cùng khả năng đáp ứng thuốc tốt có thể sống khỏe mạnh như người bình thường. Bởi vậy, để thành công trong quá trình điều trị bệnh cần sự kỷ luật, kiên trì tuyệt đối của người bệnh với phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra.
Trong kỳ nghỉ Tết dài ngày, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc đều đặn và đúng liều, đặc biệt không tự ý thay thế bằng thuốc nam, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Nếu phải di chuyển ra ngoài du xuân, chúc Tết, đừng quên mang theo thuốc để tránh gây gián đoạn hiệu quả điều trị.
Theo quan niệm dân gian, nhiều người thường truyền tai nhau việc tránh đi bệnh viện những ngày đầu năm mới, bởi lo sợ cả năm sẽ gặp những chuyện không may mắn. Tuy nhiên, khi gặp vấn đề bất thường, việc trì hoãn đợi qua Tết mới thăm khám là điều “tối kỵ" với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính bởi diễn biến bệnh có thể trở nặng bất cứ lúc nào, gây nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Chuyên gia khuyến cáo người dân cần lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, kiểm soát tình trạng bệnh kịp thời.