Bài 4: Thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất và đảm bảo đời sống Nhân dân
Bài 3: Đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân là trên hết, trước hết Bài 2: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai... Bài 1: Ngành Nông nghiệp - “xương sống” vực dậy kinh tế |
Đạt nhiều thành tựu song vẫn còn mặt tồn tại
- Xin ông cho biết 9 tháng năm 2021 tình hình kinh tế của huyện Mê Linh như thế nào?
- Ông Hoàng Anh Tuấn: Những tháng đầu năm 2021, huyện Mê Linh cũng trải qua khó khăn như những địa phương khác của thành phố Hà Nội do tác động của đại dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu phải đóng cửa để phòng chống dịch trong thời gian dài. Người dân hạn chế đi mua sắm, chợ dân sinh vắng khách hơn, hoạt động kinh doanh của các hệ thống cửa hàng bán lẻ giảm mạnh.
9 tháng năm 2021, vượt qua dịch bệnh, huyện Mê Linh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội |
Công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện Mê Linh được quan tâm triển khai quyết liệt, hiệu quả nên đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng nhiều tới việc sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Quang Minh. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp thuận lợi, chăn nuôi ổn định; Chăn nuôi lợn có sự phục hồi, hoạt động tái đàn được chú trọng. Do vậy, tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu 9 tháng qua ước đạt 22.318 tỷ đồng, đạt 73,46% kế hoạch, tăng 7,6% so cùng kỳ; Cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp tương ứng là: 87,2%; 4,5%; 8,3%.
Như vậy, trên địa bàn huyện Mê Linh, tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu tăng 7,6% so cùng kỳ; Thu ngân sách cơ bản đảm bảo kế hoạch giao. Huyện Mê Linh cũng đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa xã hội; Tập trung cao độ để hoàn thành các tiêu chí phấn đấu đạt kế hoạch huyện Nông thôn mới năm 2021.
Đồng thời, việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường được chú trọng hơn. Huyện Mê Linh rất quan tâm xử lý trật tự xây dựng và mang lại hiệu quả tốt; An sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
- Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, liệu còn khó khăn, hạn chế nào cần khắc phục không, thưa ông?
- Ông Hoàng Anh Tuấn: Huyện có một vài tồn tại sau: Thu ngân sách đạt thấp so với kế hoạch HĐND huyện giao. Nguyên nhân chính của việc này là do tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất chậm.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh phát biểu tại Hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và các nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 |
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng đô thị triển khai chậm, kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân khách quan do phải thực hiện rà soát, điều chỉnh theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị của thành phố Hà Nội; Do khó khăn chung của nền kinh tế khu vực, trong nước và sự trầm lắng của thị trường bất động sản…
Nguyên nhân chủ quan do nguồn lực, năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế; Chưa tích cực phối hợp với các sở ngành thành phố và UBND huyện để được hướng dẫn lập và điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng.
Một tồn tại khác là công tác vệ sinh môi trường. Thực tế, trong những năm gần đây, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Mê Linh đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn song việc đầu tư bãi tập kết rác một số xã chưa triển khai nên chủ yếu tập trung ở lề đường tuyến trục chính đã ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn giao thông. Dọc tuyến đường chính còn hình thành nhiều bãi rác thải xây dựng, tự phát nhưng chưa xử lý được dứt điểm. Phong trào vệ sinh môi trường trong Nhân dân chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.
Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội
- Huyện Mê Linh được coi là thủ phủ của các loại rau củ phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Xin ông cho biết trong 3 tháng cuối năm, định hướng của huyện về nông nghiệp có gì khác so với những năm trước?
- Ông Hoàng Anh Tuấn: Về sản xuất nông nghiệp, huyện Mê Linh hiện tập trung chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch vụ mùa. Song song với đó, ngành Nông nghiệp huyện triển khai công tác sản xuất cây trồng vụ đông năm 2021 - 2022.
Nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu tại huyện Mê Linh |
Theo kế hoạch, huyện Mê Linh sẽ không sản xuất ồ ạt một loại cây trồng, thay vào đó là thực hiện sản xuất rải vụ để giảm áp lực tiêu thụ vào cùng một thời điểm; Giảm diện tích sản xuất các loại cây trồng có khả năng bị ảnh hưởng thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Mê Linh sẽ uu tiên sản xuất các loại cây trồng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân để ứng phó với dịch bệnh như: Cây lương thực, thực phẩm; Cây trồng phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương); Các loại cây trồng có liên kết tiêu thụ sản phẩm.
- Giữ chân các nhà đầu tư và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất sau đại dịch được coi là mối quan tâm lớn của nhiều địa phương. Huyện Mê Linh có kế sách gì để giải “bài toán” này?
- Ông Hoàng Anh Tuấn: Huyện Mê Linh sẽ thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới. Chúng tôi tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh (từ việc thành lập hộ kinh doanh đến các điều kiện trong sản xuất, kinh doanh, nộp thuế…); Tập trung giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, sớm khởi công các dự án và đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Huyện Mê Linh hướng tới "mục tiêu kép" vừa sản xuất vừa chống dịch |
Một vấn đề rất quan trọng là giảm lãi xuất cho các khoản vay. Hiện tại, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm, giãn, hoãn các khoản lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh… theo chỉ đạo của Chính phủ.
Huyện Mê Linh cũng tiến hành rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách ưu đãi (thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực…) để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản...
- Đối với công tác an sinh xã hội, huyện Mê Linh đã đạt được nhiều thành tựu trong 9 tháng qua. Định hướng của huyện về vấn đề này trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Ông Hoàng Anh Tuấn: Thời gian qua, huyện Mê Linh đã hỗ trợ kịp thời các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, đối với 809 doanh nghiệp trên địa bàn, huyện đã giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cho 25.263 lao động với số tiền 717 triệu đồng. Hỗ trợ gần 15.000 đối tượng với số tiền trên 17 tỷ đồng.
Người dân chuẩn bị cho vụ Đông |
Huyện Mê Linh cũng rất quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và công tác bình đẳng giới. Chúng tôi tổ chức tặng 83 suất quà với tổng kinh phí 41,5 triệu đồng cho trẻ em nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6); Tặng 450 suất quà nhân dịp Tết Trung thu với tổng số tiền 180 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Bước vào 3 tháng cuối năm, huyện Mê Linh đặt mục tiêu đảm bảo đầy đủ, kịp thời chế độ với người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội. Song song với đó, huyện tiếp tục triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố.
Chúng tôi phấn đấu khẩn trương sớm đưa gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố và huyện đến với người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!